Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trong phiên họp chiều 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật xác định nguyên tắc quản lý tài nguyên nước xuyên suốt là quản lý theo lưu vực sông và có quy định về Tổ chức lưu vực sông.
Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa cụ thể. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia quản lý hiệu quả tài nguyên nước như Australia, Pháp, Hàn Quốc…, Tổ chức lưu vực sông đóng vai trò quan trọng, là tổ chức chuyên ngành theo dõi quản lý toàn diện diễn biến tự nhiên của lưu vực sông; thực hiện các hoạt động về điều tra, lập quy hoạch tài nguyên nước; quản trị nguồn nước.
Đồng thời, điều phối lợi ích chung giữa khai thác, sử dụng nước và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái; kiến nghị các vấn đề về khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường trên toàn bộ lưu vực sông.
Việt Nam có trên 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm nước ở một số khu vực, nhu cầu sử dụng nước gia tăng thì việc quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, phát triển nguồn nước lưu vực sông có vai trò quan trọng.
Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.
Về quy hoạch tài nguyên nước, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị xác định thứ bậc ưu tiên khi quy định các nội dung liên quan đến quy hoạch, xem xét nội dung khoản 2 Điều 17 để phù hợp với mối quan hệ giữa các quy hoạch và nguyên tắc giải quyết xung đột giữa các quy hoạch được quy định trong Luật Quy hoạch.
Đặc biệt, với quan điểm quản lý xuyên suốt theo lưu vực sông, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát hạn chế nhiệm vụ lập quy hoạch của từng địa phương liên quan đến phần lưu vực sông đi qua địa phận của địa phương để giảm áp lực cho địa phương trong việc lập quy hoạch; bổ sung căn cứ dự báo khả năng biến đổi khí hậu để làm cơ sở trong Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Áp dụng thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên
Dự thảo Luật bổ sung quy định thuế, phí về tài nguyên nước. Cụ thể, thuế tài nguyên được áp dụng đối với nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất dùng cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế.
Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ các yếu tố: mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế, xã hội trong khu vực.
Thuế áp dụng đối với sản phẩm, hàng hoá mà việc sử dụng gây tác động xấu đến nguồn nước được thực hiện theo quy định pháp luật về thuế bảo vệ môi trường.
Phí về tài nguyên nước bao gồm: phí khai thác, sử dụng nguồn nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm theo nguyên tắc kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy; cần đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ vào các yếu tố như: mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế-xã hội của khu vực, lưu vực sông.
Liên quan đến thuế, phí về tài nguyên nước, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần rà soát kỹ nội dung này để phù hợp với Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Có ý kiến đề nghị bỏ các nội dung quy định về thuế, phí, hoặc quy định thành 1 điều chung và dẫn chiếu tới các quy định pháp luật liên quan.
Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Đồng thời, hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 83 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.