Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước

NDO - Ngày 27/4, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Quốc hội phối hợp Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương nêu rõ, trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương lớn liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, chương trình hành động nhằm tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được đưa vào Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước ảnh 1

Chuyên gia góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, quá trình đô thị nhanh chóng là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Tuy nhiên, các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải công nghiệp và chỉ khoảng 12,5% nước thải đô thị.

Các đại biểu kiến nghị, cần xây dựng một chiến lược tổng hợp thực hiện quản lý hệ thống nước bền vững với đa mục tiêu: Bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại nhiều khu vực của Việt Nam, nguồn nước ngọt có giới hạn nên việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý là hợp lý và nên được xem xét áp dụng để bảo đảm cấp nước bền vững và bảo vệ hệ sinh thái nước.

Việc bảo đảm an ninh nguồn nước, tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn, quản lý và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một nội dung quan trọng cần được xác định trong dự thảo Luật.

Đồng thời, cần có cơ chế, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các giải pháp tuần hoàn nước, công nghệ tái chế nước thải cho các mục đích sử dụng khác nhau.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, hội thảo đã cung cấp thêm nhiều thông tin phục vụ cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật và hoạt động thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đây cũng là tài liệu tham khảo quý báu, hữu ích khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp tới.