Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên nhân nhiều người dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình là do chưa hiểu rõ về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm này. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân biết nhưng lại thiếu điều kiện kinh tế để tham gia. Các cơ quan chức năng cũng chưa quan tâm, chú trọng truyền thông chính sách tới người dân.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, như có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời...
Hà Nội đang là địa phương hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất cả nước, gấp đôi so với quy định chung (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 60%; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%, các trường hợp khác được hỗ trợ 20%) và không hạn chế số lượng người được hỗ trợ. Còn người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến ở tuyến xã, cũng như các mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh khác…
Thành phố Hà Nội đang phấn đấu đến cuối năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn sẽ đạt 2% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình đạt hơn 20% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế. Để những chính sách này lan tỏa và nhiều người dân có thể tiếp cận, thụ hưởng, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình; nhất là thông qua các hội, đoàn thể ở cơ sở như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... Các hội, đoàn thể tích cực huy động thêm các nguồn lực xã hội để hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách…