Khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ trên địa bàn thành phố, trong đó hơn 100 cơ sở giết mổ được cấp phép hoạt động, có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng thú y cung cấp khoảng 60% tổng sản lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở giết mổ gia súc hiện đại tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.
Cơ sở giết mổ gia súc hiện đại tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.

Còn lại, khoảng 400 tấn thịt từ các cơ sở giết mổ thủ công nhỏ lẻ, chưa được cấp phép, không được kiểm soát chặt chẽ về thú y, dịch bệnh, nguồn gốc sản phẩm. Ðiều này dẫn đến thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát và không được kiểm soát được bày bán lẫn lộn trên thị trường, nhất là tại các chợ cóc, chợ tạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao.

Ngày 11/10/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 7063/QÐ-UBND, về việc phê duyệt chi phí giết mổ gia súc, gia cầm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện hỗ trợ cho bốn cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng đến năm 2020 chính sách này hết hiệu lực. Việc hỗ trợ hoạt động này gặp khó khăn do các cơ sở phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá giết mổ, trong khi chưa có quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thời gian thực hiện kéo dài, khoảng hai năm mới có thể hoàn thành thủ tục, dẫn đến chính sách khó triển khai.

Sau đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có Nghị quyết số 10/2018/NQ-HÐND, ngày 5/12/2018 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó quy định hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm năm thứ nhất, 40% năm thứ hai, 30% năm thứ ba đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp. Tuy nhiên, chính sách này cũng không được triển khai, do chỉ có 11 đơn vị giết mổ tập trung theo quy hoạch, đáp ứng đủ yêu cầu đang hoạt động. Ðiều đáng nói là thủ tục để được nhận hỗ trợ rất phức tạp.

Anh Nguyễn Văn Thanh, đại diện cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại huyện Phúc Thọ chia sẻ: để được hỗ trợ thì số gia súc, gia cầm phải có giấy xác nhận của cán bộ thú y và chính quyền cơ sở, trong khi quy mô chăn nuôi phần lớn nhỏ lẻ, không tập trung và số lượng không nhiều, cho nên người dân ngại không thực hiện.

Ðáng chú ý, thực hiện Nghị định số 57/2018/NÐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đến nay thành phố Hà Nội chưa có doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù quy định cơ sở giết mổ có thể được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư, không quá 15 tỷ đồng/dự án đầu tư, nhưng doanh nghiệp cũng không mặn mà tham gia do các vướng mắc liên quan đến đất đai, nhất là việc thuê đất, xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất và suất đầu tư lớn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường cho biết, kết quả thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố thấp. Giai đoạn 2019-2020 thành phố chỉ có hai cơ sở công nghiệp và hai cơ sở bán công nghiệp được hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng.

Thành phố Hà Nội cần sớm triển khai mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Ngành nông nghiệp tham mưu với cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn, việc thuê đất... nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, quyết liệt triển khai các giải pháp chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý các sản phẩm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.