Tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào cuối năm 2021, gần 100 nước đã cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan và có 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, cam kết không phát triển và từng bước loại bỏ nhiệt điện than là nguồn phát thải CO2 rất lớn.
Tính đến cuối năm 2022, hơn 70 quốc gia đóng góp khoảng 76% lượng phát thải toàn cầu đã đưa ra cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0; trong đó, ngành năng lượng chiếm đến hơn 73% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Chính vì vậy, trong các chính sách giảm phát thải của các nước trên thế giới, ngành điện và giao thông vận tải đóng vai trò rất quan trọng.
Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi xanh ở Việt Nam trước tiên phải chú ý đến ngành năng lượng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã đưa ra những định hướng về chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững: "Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia". Ðây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.
Từ sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26, Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, triển khai quyết liệt, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu này. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã công bố những hành động Việt Nam đã và đang triển khai trong khuôn khổ hội nghị COP28. Theo đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo...
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng có nội dung xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp năng lượng; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Nhờ những chính sách và hành động kịp thời, Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng, sôi động bậc nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dẫn đầu khu vực Ðông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để khuyến khích chuyển đổi năng lượng, cần xây dựng các trung tâm quốc gia về năng lượng tái tạo tại các địa phương có tiềm năng cùng với các cơ chế, chính sách vượt trội; có các cơ chế đột phá nhằm lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện gió ngoài khơi, điện khí; có chính sách tài trợ vốn ưu đãi cho năng lượng tái tạo, công nghệ cao; chia sẻ kinh nghiệm hay của quốc tế trong thu hút đầu tư vào năng lượng sạch.
Ðề cập giải pháp thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho ngành năng lượng Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) đưa ra giải pháp với 5 trụ cột chính, bao gồm: Sử dụng hiệu quả năng lượng, điện hóa trong các ngành kinh tế, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nguồn năng lượng mới (H2, NH3 xanh), thu hồi, sử dụng và lưu giữ các-bon.
Bên cạnh đó, để thực hiện được mục tiêu đã cam kết cần khơi thông nguồn vốn và dòng tín dụng cho các dự án thân thiện môi trường, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan; cần làm rõ tiêu chí dự án xanh và việc xác nhận đối với dự án này để được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ để hỗ trợ dự án thực sự xanh; thảo luận việc xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực để thu hút và phát huy tác dụng của nguồn lực tín dụng xanh. Việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn sẽ đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.