Ưu tiên phát triển năng lượng bền vững

Đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc phát triển bền vững luôn gắn chặt với an ninh năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Điện gió Ninh Thuận. (Ảnh: VĂN GIANG)
Điện gió Ninh Thuận. (Ảnh: VĂN GIANG)

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, Việt Nam cần phát triển ngành năng lượng gắn liền, song hành với phát triển kinh tế, từ đó xây dựng chiến lược, quy hoạch phù hợp. Khi toàn bộ nền kinh tế không còn gây sức ép lên ngành năng lượng, thì mới có khả năng bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia.

Sử dụng năng lượng hiệu quả

Tiêu thụ năng lượng của Việt Nam thời gian qua có mức tăng trưởng tương đối nhanh, trong đó, tiêu thụ năng lượng cuối cùng giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân khoảng 6,8%/năm; tỷ trọng tiêu thụ điện năng trong cơ cấu tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng cũng tăng từ 25,7% năm 2015 lên 28,4% năm 2020. Quy hoạch điện VIII dự báo, điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8,7%/năm trong giai đoạn từ năm 2021-2030, với sản lượng điện sản xuất năm 2025 dự kiến đạt khoảng 378,3 tỷ kW giờ và năm 2030 đạt khoảng 567 tỷ kW giờ.

Cường độ năng lượng của chúng ta hiện nay đang ở mức cao so với thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số giữa cường độ năng lượng và cường độ điện trên mỗi giá trị GDP trong giai đoạn 2016-2020 luôn có xu hướng tăng. Đáng chú ý, phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng trong khi hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng lại thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Thêm vào đó, trữ lượng và sản xuất than, dầu, khí tự nhiên đã và đang suy giảm dần hằng năm; các nguồn thủy điện lớn và vừa được khai thác hết tiềm năng và dư địa... Đây là thách thức lớn với an ninh năng lượng của Việt Nam.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền bắc (Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) cho biết, những năm qua, doanh nghiệp và người dân đã có ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, do hạn chế về ý thức tiết kiệm điện hay khó khăn nguồn vốn để thay đổi công nghệ nên việc sử dụng điện vẫn nhiều bất cập, lãng phí. Trên địa bàn miền bắc có nhiều phụ tải tiêu thụ điện lớn như các nhà máy sản xuất thép, xi-măng, vật liệu xây dựng, luyện quặng... nhưng vẫn sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng và chưa thân thiện với môi trường.

Để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, Tổng công ty Điện lực miền bắc đã định hướng tập trung vào tuyên truyền tiết kiệm điện tới cộng đồng khách hàng; đẩy mạnh các chương trình gia đình, trường học, công sở tiết kiệm điện; xây dựng các vật phẩm tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm;... Mặt khác, Tổng công ty cũng liên tục tuyên truyền, hỗ trợ khách hàng trong công tác kiểm toán năng lượng tại doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, theo dõi sát sao việc thực hiện tiết kiệm điện của các cơ quan, công sở, các khách hàng sử dụng điện lớn.

Ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) chia sẻ: Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, cần giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6% cũng như giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp. Chương trình đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học công nghệ; hỗ trợ kỹ thuật, tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Khuyến khích năng lượng sạch

Trên thế giới, xu thế chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang diễn ra nhanh chóng, gắn với yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu hàng đầu là giảm phát thải khí nhà kính đã được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cam kết cụ thể tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26). Chuyển đổi sang năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu toàn cầu.

Theo ông Vương Quốc Thắng, đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, kinh nghiệm bảo đảm an ninh năng lượng của nhiều nước là chú trọng đến yêu cầu đa dạng hóa nguồn cung, đẩy mạnh tự chủ về năng lượng, đồng thời phát huy tốt tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất của hệ thống năng lượng. Áp dụng tại Việt Nam, ngành điện cần khai thác nhanh, an toàn và hiệu quả các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, để thúc đẩy năng lượng tái tạo, chúng ta phải giải quyết rốt ráo các nội dung trọng tâm liên quan đến khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, công nghệ và nhất là vận hành hệ thống ổn định.

Bảo đảm an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu, có vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh và tình hình mới. Các chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát huy tốt tiềm năng và hiệu quả tài nguyên trong nước, tăng cường năng lực nội sinh ngành năng lượng gắn với yêu cầu nâng cao khả năng độc lập, tính tự chủ trong phát triển năng lượng.

Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu và phát triển đồng bộ, hài hòa các nguồn năng lượng: Điện, dầu khí, năng lượng mới và tái tạo, nhất là khuyến khích, tạo điều kiện phát triển những nguồn năng lượng mới, sạch như điện mặt trời hay hydrogen. Ngoài ra, chúng ta cần thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch gắn với yêu cầu về khả năng tiếp cận năng lượng toàn dân; nâng cao chất lượng cung cấp năng lượng cũng như các dịch vụ hỗ trợ với mức giá phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân theo cơ chế thị trường, Nhà nước điều tiết giá năng lượng trong trường hợp cần thiết. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu trọng tâm, xuyên suốt của chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tăng cường dự trữ năng lượng quốc gia theo hướng Nhà nước giữ vai trò quản lý, điều hành, dẫn dắt đầu tư kết hợp cơ chế xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế khác trong đầu tư phát triển ngành năng lượng.