Đây là chia sẻ của các chuyên gia, diễn giả tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức tổ chức tại Hà Nội chiều 14/12.
Với chủ đề “Chính sách, giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp dịch vụ trong ngành điện mặt trời và điện gió cho doanh nghiệp Việt Nam”, sự kiện thường niên năm nay thu hút gần 300 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường trên toàn quốc, cùng đại diện các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trải qua 5 năm tổ chức, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng đã giới thiệu hơn 100 công nghệ trong và ngoài nước, cung cấp xu hướng phát triển công nghệ, định hướng nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, đây cũng là nơi trao đổi, chia sẻ, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng.
Việt Nam - thị trường sôi động bậc nhất khu vực về năng lượng tái tạo
Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, thời gian qua, trong xu thế chuyển dịch năng lượng, điện gió và điện mặt trời đang có sự phát triển vượt bậc, giúp Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực này.
Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.350 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong Quy hoạch Điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, nguồn điện này sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030.
Cơ hội đầu tư với Quy hoạch điện VIII
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, bà Trần Thị Hồng Lan cũng cho rằng cần thẳng thẳn nhìn nhận một số hạn chế, khó khăn. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho ngành điện gió, điện mặt trời còn thấp.
Theo dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ nước ngoài. Bà Trần Thị Hồng Lan nêu rõ, việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài.
Bên cạnh đó là năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Phó đại sứ Đức tại Việt Nam, ông Simon Kreye. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050, Phó đại sứ Đức tại Việt Nam, ông Simon Kreye bày tỏ, phía Đức sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình này.
Theo ông Simon Kreye, để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như không phát thải carbon ròng, rất cần các chính sách phù hợp với điều kiện Việt Nam để chuyển từ các ngành năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Trong đó, nội địa hóa công nghệ có thể giúp hỗ trợ tăng tính cạnh tranh trong phát triển năng lượng.
Cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo
Tại diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đã cùng thảo luận, đánh giá nguyên nhân, hiện trạng và đưa ra những góp ý chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cũng như tạo môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
Quang cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đánh giá cao tiềm năng thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam, TS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo toàn cầu và ở Việt Nam đã thúc đẩy việc làm xanh năng lượng tái tạo và sự tham gia và chuỗi cung ứng thiết bị năng lượng tái tạo ở nước ta.
Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu tấm pin điện mặt trời. Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) ước tính, số lượng lao động trong ngành điện mặt trời (trực tiếp và gián tiếp) ở Việt Nam 115 nghìn lao động, đứng thứ 6 trên thế giới.
Trước tiềm năng lớn cùng định hướng đẩy nhanh phát triển và tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo, TS Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, các ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời sẽ đem đến cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo thông qua tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo; đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ về thực trạng và giải pháp thúc đẩy nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng điện gió, mặt trời ở Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Để nắm bắt cơ hội này nhằm thúc đẩy chính sách tăng nội địa hóa, theo TS Nguyễn Ngọc Hưng, quy hoạch, chiến lược phát triển cho ngành này cần rõ ràng, hoàn thiện, minh bạch hơn, từ đó góp phần đưa giá bán điện hấp dẫn để giảm rủi ro và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho điện năng lượng tái tạo, giúp nhà sản xuất tin tưởng vào quy mô thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, kinh phí phát triển vào một số lĩnh vực ưu tiên trong chuỗi cung ứng thiết bị năng lượng tái tạo, cùng với đó là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các cảng biển để giảm chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, cần xem xét ưu đãi hoặc giảm thuế để tăng khả năng cạnh tranh chi phí cho các nhà cung cấp Việt Nam, phát triển quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, cũng như truyền đạt câu chuyện thành công trong các ngành công nghiệp khác liên quan chuỗi cung ứng.
Ưu tiên phát triển năng lượng bền vững
Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE) tại Việt Nam, thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, ở các mảng Việt Nam có thế mạnh nội địa hóa cao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, lộ trình phát triển điện gió và điện mặt trời giai đoạn 2025-2050 có thể mang lại 160 tỷ USD lợi nhuận cho Việt Nam, tương đương 1,02% GDP trong cùng giai đoạn, xấp xỉ giá trị của ngành công nghiệp và xây dựng Việt Nam năm 2022 (155 tỷ USD).
Theo nghiên cứu của CASE, thực hiện lộ trình này, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng từ 45% ở thời điểm hiện tại tới gần 80% vào năm 2050 đối với điện mặt trời, và từ 37% hiện tại lên 55% vào năm 2050 đối với điện gió. Trong giai đoạn 2025-2050, giá trị nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ước đạt 80 tỷ USD, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường.
Khẳng định đây là động lực để Việt Nam có những bước thay đổi để nắm bắt cơ hội, bà Vũ Chi Mai cũng nhấn mạnh, rất cần chính sách phù hợp và mạnh mẽ trong bối cảnh Việt Nam đã tạo được thị trường đáng ngưỡng mộ trong khu vực về năng lượng tái tạo.
Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án CASE tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) trả lời phỏng vấn báo chí bên lề diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Dẫn kinh nghiệm quốc tế khi điều kiện yêu cầu nội địa hóa thành công gồm có nguồn lực tài chính, lực lượng lao động lành nghề và quy mô thị trường, bà Vũ Chi Mai cho rằng, nếu mục tiêu về công suất đặt của điện gió và điện mặt trời trong Quy hoạch Điện VIII đạt được, Việt Nam được dự báo có tiềm năng thị trường tương đối lớn. Tuy nhiên, cần tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực để tối ưu nội địa hóa.
Theo bà Vũ Chi Mai, ở giai đoạn đầu, cần thúc đẩy hơn nữa tăng tỷ lệ nội địa ở các công đoạn đã có tiềm năng như phát triển dự án, lắp đặt/xây dựng và đấu nối. Còn về sản xuất, có thể tiếp tục những lĩnh vực đã có thế mạnh như chế tạo máy biến áp và cáp, hệ khung, đơn vị điều khiển điện, tấm quang điện (đối với điện mặt trời), cũng như máy biến áp và cáp, thiết bị nền móng (điện gió).
“Nếu công nghệ vẫn phụ thuộc vào nước ngoài thì khả năng giảm giá thành năng lượng tái tạo không nhiều và sức cạnh tranh trong ngành cũng không cao. Do đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, các dự án thử nghiệm, đồng thời phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng để tối đa nội địa hóa”, bà Vũ Chi Mai nhấn mạnh.