Ðây được xem là một thỏa thuận lịch sử về khí hậu, bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính.
Thỏa thuận đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thỏa thuận cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ các-bon.
Sau hai tuần đàm phán khó khăn, dự thảo thỏa thuận trên đã nhận được sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự COP28, gửi đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách thông điệp mạnh mẽ về thế giới đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các đại biểu đã nỗ lực tạo dấu ấn lịch sử tại COP28 nhằm đẩy nhanh nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Hội nghị đã phải kéo dài hơn lịch trình, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về nội dung liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.