Khôi phục sản xuất sau bão

Trận bão Yagi đầu tháng 9 vừa qua đã gây ngập úng, làm hỏng 65 ha trồng đào và hầu hết diện tích trồng quất trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội). Ðến nay, các hộ dân trồng đào, quất của phường Nhật Tân và phường Tứ Liên động viên nhau khôi phục sản xuất, hy vọng năm sau sẽ có vụ hoa cho doanh thu lớn.
Gia đình bà Ngọ trồng mới và chăm sóc vườn đào sau bão lũ.
Gia đình bà Ngọ trồng mới và chăm sóc vườn đào sau bão lũ.

Những ngày này, vườn đào rộng 5 sào của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu, 60 tuổi, ở phường Nhật Tân chỉ còn trơ lại một cây đào huyền đã cháy lá. Sau đợt bão lũ xảy ra trong những ngày đầu tháng 9, đó là cây duy nhất còn chút mầu xanh.

Ông Thiệu thương cây, mang cọc tre ra chống, hy vọng cây đào sống được. Nhưng sau gần một tháng, cây đào cuối cùng trong vườn nhà ông Thiệu cũng không giữ được.

"Mấy hôm trước, vợ chồng tôi phải nhổ bỏ những cây đào chết để đốt đi, nếu không mỗi lần ra vườn, nhìn thấy cả vườn đào chết hết, xót xa lắm’’, vợ ông Thiệu nói.

Năm nay, vợ chồng ông Thiệu trồng hơn một nghìn cây đào, cả đào dáng tròn và đào dáng huyền. Cuối tháng 8, nhìn vườn đào xanh mướt, vợ chồng ông khấp khởi mong đến Tết sẽ có doanh thu cao. Nhưng nước lũ tràn vào, cuốn trôi đồ đạc trong chòi nhỏ dựng trong vườn, trôi cả hy vọng của vợ chồng nông dân.

"Tính cả chi phí tái đầu tư, sau đợt lũ nhà tôi thiệt hại gần một tỷ đồng’’, vợ ông Thiệu cho biết. Hôm lũ dâng, vợ chồng ông đứng trên đê nhìn xuống, thấy nước ngập trắng vườn đào, vừa tiếc của, vừa thương cây.

Vợ chồng ông Thiệu động viên nhau cùng ra vườn nhặt nhạnh đồ đạc còn sót lại, chặt bỏ cây chết, thuê máy cày lại đất. Mấy ngày sau, ông bà trồng mới một loạt cây đào nhỏ đặt mua từ Thanh Hóa về.

Ở khu vực cao hơn, vườn đào của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ, 70 tuổi, cũng bị thiệt hại khoảng 1/3 diện tích. Một tuần nay, vợ chồng bà Ngọ cùng con trai ra vườn chăm sóc lại những cây đào còn sống, đồng thời trồng xen kẽ những cây đào nhỏ, thay cho những cây đã chết.

Cậu con trai đào đất. Bà Ngọ trồng cây. Chồng bà Ngọ tưới nước. Mỗi người một việc, vừa làm, vừa trò chuyện vui vẻ. "Buồn cũng không giải quyết được gì. Mất mát này do thiên tai gây ra, cho nên không nên oán thán’’, bà Ngọ nói và nhẩm tính số cây chết khiến gia đình thất thu khoảng 200 triệu đồng, nhưng vẫn ít hơn so với nhiều hộ khác.

Ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân cho biết, hầu hết các hộ trồng đào đều chịu thiệt hại sau mưa bão, từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Ông Việt đang kêu gọi các hội viên khác đóng góp chi phí ủng hộ những hộ thiệt hại nặng mua cây mới để trồng lại. "Hiện tại, mọi người đều nỗ lực phục hồi sản xuất’’, ông nói.

Ngay cạnh làng đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên cũng thiệt hại nặng do bão lũ. Cả vùng trồng quất rộng gần 30 ha phủ mầu xám của cây quất chết khô. Nhiều khu vườn quất đã được chặt gốc, xếp thành đống lớn, chờ đốt bỏ.

Giữa trưa, bà Nhàn, hơn 60 tuổi cùng người hàng xóm, người làm thuê tất bật nhổ bỏ gốc quất trong chậu gốm để mua cây giống về trồng. Họ cho biết, mỗi người trồng khoảng 1.000 cây quất cảnh nhưng gần như mất trắng. Từng mất ăn, mất ngủ do buồn phiền, nhưng giờ bà lại động viên những người hàng xóm, làm nông nghiệp không tránh được có năm mất mùa.

Theo thống kê của quận Tây Hồ, bão Yagi khiến hơn 65 ha đào (chiếm 65,4% tổng diện tích) bị mất trắng, thiệt hại gần 40 tỷ đồng và 27,5 ha (chiếm hơn 90%) trồng quất bị thiệt hại, trị giá khoảng 25 tỷ đồng.

Ðể giúp các hộ dân trên địa bàn khắc phục hậu quả thiên tai, quận Tây Hồ đã đề xuất cơ chế hỗ trợ người trồng đào, quất bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão. Quận Tây Hồ đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với chủ vườn đào và 90 triệu đồng/ha với người trồng quất. Nhưng những người nông dân vùng trồng đào, trồng quất cho biết, trước khi nhận được hỗ trợ của Nhà nước, họ và gia đình đều nỗ lực vượt lên khó khăn. Họ hy vọng, sau thiên tai bão lũ, vụ đào, quất sau lại được mùa, được giá.