Khơi dậy tiềm năng hợp tác xã vùng cao

Trong hai nhiệm kỳ gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế hợp tác xã. Sau gần 8 năm triển khai, địa phương này đã dần thu “trái ngọt”, nhiều hợp tác xã khẳng định được thương hiệu, xuất khẩu được sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Chăm sóc cây cà chua trong nhà lưới của Hợp tác xã Đại Hà, huyện Bạch Thông.
Chăm sóc cây cà chua trong nhà lưới của Hợp tác xã Đại Hà, huyện Bạch Thông.

Bắc Kạn đang tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần phát triển bền vững kinh tế hợp tác xã.

Những trái ngọt

Những ngày này, Giám đốc Nguyễn Thị Hoan và các thành viên Hợp tác xã miến dong Tài Hoan phấn khởi khi sản phẩm của đơn vị vừa tiếp tục được công nhận đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Xuất phát điểm của hợp tác xã chỉ là một cơ sở chế biến miến dong quy mô nhỏ tại xã Côn Minh, huyện Na Rì.

Được tỉnh vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, máy móc sản xuất quy mô lớn, đến nay, sản lượng miến dong của hợp tác xã đạt khoảng 350 tấn/năm, với doanh thu ước đạt khoảng hơn 10 tỷ đồng. Hợp tác xã bao tiêu 70ha cây dong riềng, tạo việc làm cho gần 500 hộ liên kết. Đơn vị là hợp tác xã nông nghiệp vùng cao đầu tiên của Bắc Kạn xuất khẩu được sản phẩm sang châu Âu.

Khơi dậy tiềm năng hợp tác xã vùng cao ảnh 1

Giám đốc Hợp tác xã miến dong Tài Hoan Nguyễn Thị Hoan (người bên trái) giới thiệu về sản phẩm miến dong.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thị Hoan, sự hỗ trợ, hướng dẫn, động viên và các cơ chế, chính sách ngày càng thiết thực của tỉnh là cơ sở quan trọng để hợp tác xã hình thành và phát triển. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, nâng công suất lên từ 500-600 tấn sản phẩm/năm gắn với tạo vùng nguyên liệu để nghề chế biến miến dong ngày càng bền vững.

Một trong những vấn đề căn cốt khiến cho việc thành lập hợp tác xã thì dễ nhưng hoạt động hiệu quả lại khó chính là năng lực quản trị của các hợp tác xã còn yếu. Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2018-2020, Bắc Kạn đã hỗ trợ nhân lực chất lượng cao làm quản lý, kế toán, kỹ thuật, tiếp thị cho 43 hợp tác xã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã được hỗ trợ nhân lực có doanh thu tăng bình quân 180%, lợi nhuận tăng 150%, thu nhập tăng 200%.

Kế thừa, phát huy hiệu quả chính sách này, giai đoạn 2022-2025, Bắc Kạn xác định hỗ trợ nguồn nhân lực cho 100 hợp tác xã có nhu cầu về lao động có trình độ. Mỗi hợp tác xã được hỗ trợ một lần để thuê một lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên, mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, thời hạn hỗ trợ tối đa 36 tháng (tính đến hết 31/12/2025).

Song song với hỗ trợ nhân lực, Bắc Kạn tiếp tục lựa chọn, đầu tư hỗ trợ các hợp tác xã có phương án sản xuất, kinh doanh tiềm năng gắn với chuỗi giá trị. Từ năm 2022-2024, tỉnh đầu tư hơn 31 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng hạ tầng sản xuất cho 14 hợp tác xã.

Giám đốc Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm, xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn) Nông Thị Tâm cho biết, được tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà xưởng rộng rãi với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, chúng tôi không chỉ có điều kiện giữ nghề truyền thống mà còn nâng cao nhận thức, sản xuất hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng.

Khơi dậy tiềm năng hợp tác xã vùng cao ảnh 3

Nấu rượu bằng phương pháp thủ công tại Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm, xã Bằng Phúc, Chợ Đồn.

Nhờ sự đầu tư, hỗ trợ, tư vấn, kết nối của tỉnh, từ một cơ sở nấu rượu nhỏ, nay Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm đã kết nối sản xuất cho hàng trăm hộ nấu rượu truyền thống ở Bằng Phúc. Thanh Tâm là hợp tác xã nông nghiệp vùng cao thứ hai xuất khẩu được sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn khi sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 24/3/2020 về nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã, đến nay, Bắc Kạn đã có 674 tổ hợp tác, 368 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã. Tổng số thành viên tổ hợp tác là 7.670 thành viên; thành viên hợp tác xã là 3.713 và số hợp tác xã thành viên của Liên hiệp hợp tác xã là 18 đơn vị.

Số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã thành lập mới qua các năm phát triển mạnh với các mô hình phát triển đa dạng. Đến nay, các mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 đề ra đều đã đạt và vượt. Tỉnh Bắc Kạn có 2 hợp tác xã được trao giải “Ngôi sao Hợp tác xã” năm 2024 do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức là Hợp tác xã Tài Hoan và Hợp tác xã Nhung Lũy. Đây là minh chứng cho hiệu quả hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Bắc Kạn.

Phát triển bền vững

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm Ban chỉ đạo kinh tế tập thể các cấp. 100% các xã, thị trấn có cán bộ đầu mối, thực hiện tham mưu đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phụ trách lĩnh vực kinh tế là Ủy viên ban chấp hành Liên minh hợp tác xã tỉnh, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp huyện.

Thực tiễn cho thấy, không phải cứ có hỗ trợ là chắc chắn hợp tác xã sẽ hoạt động hiệu quả. Vẫn có một số hợp tác xã hiệu quả kinh doanh chỉ mức trung bình và một số hợp tác xã phải giải thể. Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn, còn một số hợp tác xã có trình độ, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý và việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả. Việc chủ động tiếp cận và phát huy chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh tại một số hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu.

Khơi dậy tiềm năng hợp tác xã vùng cao ảnh 4

Chế biến trà hoa vàng tại Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn.

Quy mô, số lượng thành viên của hợp tác xã có tăng nhưng chất lượng chưa cải thiện. Việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh chưa phổ biến. Phần lớn các hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc. Hầu hết các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chưa thực hiện tốt chế độ kế toán và thông tin báo cáo theo quy định…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 27/4/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể.

Tuy nhiên, tại nghị quyết này, một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn trong khi lại thiếu một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, như: Trồng rừng gỗ lớn, làm giàu rừng tự nhiên, hỗ trợ đánh giá và cấp chứng chỉ rừng bền vững, chi phí thuê đất nông nghiệp…

Khơi dậy tiềm năng hợp tác xã vùng cao ảnh 5

Hợp tác xã Nhung Lũy, huyện Ba Bể đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Trước những bất cập này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng phương án điều chỉnh, bổ sung cho nghị quyết và trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong tháng 7/2024. Nguồn lực dành cho thực hiện nghị quyết sau điều chỉnh, bổ sung sẽ là hơn 42 tỷ đồng. Việc điều chỉnh bổ sung được Bắc Kạn xác định sẽ tác động tích cực tới sản xuất hàng hóa của các hợp tác xã trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nông Quang Nhất cho biết, đến nay, Bắc Kạn có 218 sản phẩm OCOP, chủ yếu là của các hợp tác xã. Tuy nhiên, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, quy mô, mức độ phát triển của các hợp tác xã chưa tương xứng tiềm năng, trình độ quản trị còn thấp trong khi quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa rộng rãi. Do vậy, Bắc Kạn sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ nhất là về vốn và nhân lực để các hợp tác xã phát triển.

Tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Khắc phục tình trạng một số tổ chức kinh tế tập thể hoạt động yếu kém; thu hút, mở rộng thành viên, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân.