Chương trình OCOP đã và đang trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bắc Kạn.
Chương trình đã khơi dậy nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng mang đặc trưng, lợi thế vùng, miền và khai thác những tiềm năng, nội lực trong nhân dân.
Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Số lượng sản phẩm đều tăng qua các năm, chất lượng không ngừng được cải thiện.
Sau 5 năm, Bắc Kạn đã có 218 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên.
Đặc biệt, tỉnh có một sản phẩm OCOP 5 sao, hai sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường quốc tế.
Bắc Kạn có 13 sản phẩm đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGap, GACP-WHO; 8 chủ thể duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất; các sản phẩm OCOP đã được đăng bán trên sàn thương mại điện tử.
Riêng năm 2023, tỉnh Bắc Kạn có 48 sản phẩm mới được công nhận 3 sao trở lên, vượt 240% kế hoạch đề ra; 76 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, 17 chủ thể tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP, 28 sản phẩm mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu.
Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngày càng được quan tâm. (Trong ảnh: Gian hàng giới thiệu sản phẩm trà hoa vàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hà Diệp tại thành phố Bắc Kạn được đầu tư quy mô, bài bản). (Ảnh: THU CÚC) |
Qua điều tra, đánh giá hiệu quả đề án trong giai đoạn 2018-2023 cho thấy, có 94,6% chủ thể có doanh thu tăng từ 1,1 lần trở lên; 86% chủ thể có nhà xưởng sản xuất; 95% giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương trở lên.
Đặc biệt việc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã mang lại nhiều lợi ích đối với các chủ thể. Chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn trở thành “giấy thông hành” giúp các sản phẩm chiếm lĩnh, mở rộng thị trường.
Nhờ đạt chứng nhận, nhiều sản phẩm đã “định vị” được thương hiệu, như: tinh nghệ, curcumin, nano curcumin, miến dong, mật ong, bún, phở khô, trà mướp đắng rừng, chè Shan tuyết, trà túi lọc, cao cà gai leo… được người tiêu dùng ưa chuộng. Một số sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã được đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo, Postmart, Alibaba...
Năm 2024, Bắc Kạn đặt mục tiêu phát triển ít nhất 20 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên. Tỉnh củng cố, phát triển 8 chủ thể OCOP tham gia đề án giai đoạn 2018-2023 và phấn đấu hỗ trợ 8 chủ thể mới có sản phẩm tham gia năm 2024.
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, sẽ có từ 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt tiêu chuẩn 3 đến 4 sao, trong đó có hai sản phẩm trở lên đạt 5 sao.
Mục tiêu lâu dài, bền vững là từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân từ sản xuất truyền thống sang công nghệ hiện đại, áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến.
Từ đó, tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm an toàn theo quy định chất lượng nông nghiệp, tạo thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP Bắc Kạn vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài nước.