Khơi dậy tinh thần tiên phong
Cao Thượng là một trong những xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện Ba Bể. Trong khi đó, Tọt Còn lại là thôn xa nhất của Cao Thượng, nằm giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang. Những năm trước đây, nhắc tới Tọt Còn là nhắc tới ba chữ “xa, nghèo, khó”, khiến đường vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cứ xa vời vợi. Thế nhưng Tọt Còn giờ đã khởi sắc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Giàng Văn Đại.
Hành trình của Đại có lẽ là minh chứng điển hình cho khát khao và nỗ lực vươn lên của thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng cao Bắc Kạn. Quãng 10 năm trước, như bao trai làng dân tộc H’Mông, Đại lấy vợ sớm, sinh con. Cuộc sống quẩn quanh với cái khổ và sự vất vả trên nương. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh quyết định bán hai con trâu để xuống huyện học trung học phổ thông. Học xong trở về, anh trở thành nòng cốt của lực lượng thanh niên ở Tọt Còn, rồi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Anh luôn gắn bó với thanh niên, tham gia sinh hoạt cùng thanh niên, phát huy vai trò của lực lượng trẻ trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực để Tọt Còn vươn lên. “Một số người dân ở Tọt Còn nhận thức còn hạn chế cho nên cách tốt nhất để tuyên truyền, vận động họ là cán bộ phải làm trước, làm tốt. Chuyển từ chặt gỗ rừng sang trồng rừng, từ ngô ta sang trồng ngô lai, tiêm vắc-xin cho gia súc... nhà tôi cũng đều làm trước”, anh Đại chia sẻ.
Bí thư Chi bộ thôn ngày càng được người dân tin tưởng, quý trọng bởi lời nói việc làm luôn đi đôi và hiệu quả. Một số hộ còn thuyết phục con cháu theo gương bí thư, học tiếp lên bậc cao hơn. Trong những năm qua, 81 hộ dân ở Tọt Còn luôn chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không có người vi phạm pháp luật về an ninh trật tự; việc cưới, việc tang được tổ chức theo nếp sống mới, văn minh, tiết kiệm. Ngày càng nhiều con em trong bản đi học... Mỗi sự thay đổi ở Tọt Còn đều là niềm vui, là động lực để Đại tiếp tục cống hiến cho quê hương.
Xác định chuyển đổi số là “cao tốc” góp phần giúp miền núi tiến kịp miền xuôi nhanh nhất, trong đó cần có sự gánh vác của thanh niên, tháng 9/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã đối thoại với thanh niên trong chủ đề “Thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo gắn với chuyển đổi số”. Đây là một trong những hoạt động cụ thể hóa sự quan tâm và triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích thanh niên vươn lên của Bắc Kạn. Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị thanh niên: “Hãy từ chính những gì đang có, công việc đang làm, trên chính quê hương, nắm bắt xu hướng thời đại, hướng đến những gì xã hội cần để khởi nghiệp”.
Côn Minh (huyện Na Rì) được chọn là một trong tám xã, phường thực hiện mô hình điểm về chuyển đổi số của Bắc Kạn. Nhận nhiệm vụ, Đoàn Thanh niên xã bắt tay thực hiện với quyết tâm cao. Đồng chí Bí thư Đoàn xã đảm nhận làm Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng của xã. Các bí thư chi đoàn là tổ phó tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi thôn. Các tổ tham gia các hội nghị, buổi tập huấn lĩnh hội kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Từ năm 2023 đến nay, đoàn viên đã tích cực phối hợp các ngân hàng triển khai mô hình “Chợ 4.0” với tất cả tiểu thương được cấp mã QR; phối hợp Công an xã hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt định danh điện tử mức độ 1 và 2;
phối hợp Trạm Y tế xã khởi tạo Sổ sức khỏe điện tử cho tất cả người dân. Theo Bí thư Đoàn Thanh niên xã Côn Minh Lục Thị Sim, chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên học tập, rèn luyện. Họ xác định nỗ lực để mỗi thanh niên là một “công dân số”, từ đó giúp địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Tỉnh đoàn Bắc Kạn, Bắc Kạn có 76 hợp tác xã, 45 tổ hợp tác và hơn 500 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, sản xuất hiệu quả, góp phần xây dựng, phát triển hơn 40 sản phẩm OCOP. Đoàn thanh niên quản lý 315 tổ tiết kiệm vay vốn với 8.398 hộ vay, dư nợ hơn 614 tỷ đồng... Đoàn viên, thanh niên các cơ quan đã có nhiều mô hình về cải cách hành chính, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng dịch vụ công...
Tạo điều kiện để thanh niên phát triển toàn diện
Thời gian qua, Tỉnh ủy Bắc Kạn rất quan tâm công tác xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 13/4/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 về phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2030. UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu là khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện, có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên, có đạo đức, ý thức công dân, có sức khỏe và lối sống lành mạnh, có trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm, có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học-công nghệ...
Những cán bộ Đoàn qua rèn luyện, trưởng thành được sắp xếp, bố trí những vị trí công tác mới ở vùng cao. Bắc Kạn hiện có nhiều thủ lĩnh Đoàn giữ cương vị lãnh đạo ở các huyện vùng cao, như: Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới... Những cán bộ này góp phần quan trọng khơi dậy tinh thần vươn lên của thanh niên vùng cao. Trong năm 2023, các cấp bộ Đoàn đã kết nạp mới 4.020 đoàn viên; giới thiệu 1.510 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó có 550 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.
Từ năm 2023 đến nay, các cấp bộ Đoàn huy động nguồn lực xây dựng được 483 công trình thanh niên, hơn 3.500 phần việc thanh niên; xây dựng và khánh thành 26 cầu nông thôn, bốn điểm trường học, hai “ngôi nhà 100 đồng”; một ngôi nhà tình bạn; một ngôi nhà tình nghĩa; sửa chữa, xây mới 26 km đường giao thông nông thôn, tám sân bê-tông; xây dựng 45 tuyến đường “Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp-Văn minh-An toàn”; trồng hơn 365.000 cây xanh; tặng hàng chục nghìn suất quà, chăn ấm, quần áo ấm cho các gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn bảy tỷ đồng.
Bám sát bốn chương trình trọng tâm của Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khóa XII, nhiệm kỳ 2022-2027, Tỉnh đoàn Bắc Kạn xác định rõ những nội dung, chương trình cần tập trung thực hiện. Trong đó, Tỉnh đoàn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có bản lĩnh chính trị, có đạo đức, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới; khuyến khích và tạo điều kiện để thanh niên “khởi nghiệp, lập nghiệp” trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về nông, lâm nghiệp và du lịch; phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong chuyển đổi số và cải cách hành chính; khơi dậy ý chí, khát vọng, hoài bão trong mỗi đoàn viên, thanh niên... Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tăng 15% số thanh niên được ứng dụng triển khai ý tưởng sáng tạo khoa học-công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 15% số công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì; 80% số thanh niên được tư vấn, hướng nghiệp việc làm; 60% số thanh niên được đào tạo nghề gắn với việc làm; hằng năm có ít nhất 5.000 thanh niên được giải quyết việc làm.
Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn Triệu Tiến Trình chia sẻ, tuổi trẻ Bắc Kạn luôn một lòng đi theo Đảng, đồng tâm vượt khó khăn, thách thức với ý chí “không có việc gì khó”. Tinh thần “xung kích”, “dám nghĩ dám làm”, kết hợp với sức mạnh của chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để khai phóng tiềm năng, sức trẻ của mỗi thanh niên từ đô thị đến rẻo cao khó khăn.