Bắc Kạn phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đề ra chủ trương, xây dựng chính sách để phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới. Qua đó bước đầu đã tạo nên những điểm đến du lịch, thay đổi diện mạo nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm chế biến món ăn dân tộc Dao tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Ảnh: THU CÚC.
Du khách trải nghiệm chế biến món ăn dân tộc Dao tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Ảnh: THU CÚC.

Từ sự khuyến khích, hỗ trợ, động viên, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhiều thôn, bản trước đây chỉ làm nông nghiệp nay đã mạnh dạn triển khai làm du lịch. Thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động sinh hoạt, sản xuất... gắn với du lịch cộng đồng.

Làm du lịch, người dân trong thôn có điều kiện phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao.

Khuôn viên vườn cây ăn quả như ổi, cam quýt, bưởi xen lẫn đồi chè, với diện tích khoảng 14,5 ha trở thành điểm nhấn.

Người dân trong thôn đã tích cực chỉnh trang lại khuôn viên, vườn, chuồng trại chăn nuôi, chuyển hướng sản xuất trồng trọt, đổi mới cách thức sản xuất, sẵn sàng hợp tác xây dựng mô hình điểm du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đời sống cũng tăng nguồn thu nhập...

Tương tự Phiêng An, thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày; các làn điệu hát sli, hát lượn, nấu các món ăn ẩm thực của người dân địa phương vẫn được duy trì.

Bắc Kạn phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới ảnh 1

Một góc thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông. Ảnh: THU TRANG.

Để làm du lịch, người dân trong thôn đã trồng hoa hai bên đường, thôn còn giữ được một số ngôi nhà sàn và đặc biệt hơn, người dân ở đây đã nhận thức khá tốt về phát triển du lịch cộng đồng, biết tạo cảnh quan, có ý tưởng tạo ra các sản phẩm để phục vụ khách du lịch, du khách đến thôn có thể trải nghiệm sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, một số công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã bắt đầu quan tâm và đưa khách du lịch đến hai thôn Phiêng An và Chúa Lải để tham quan, trải nghiệm du lịch và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp sạch của người dân trong thôn. Nhiều hộ gia đình thấy hiệu quả đã chủ động tự chỉnh trang và xây dựng nhà cửa để đón tiếp khách.

Nhằm tạo mô hình, điểm nhấn từ đó lan tỏa ra các thôn, bản có tiềm năng du lịch, từ 2021 tới 2025, tỉnh Bắc Kạn quyết định đầu tư trên 16 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch cho thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (Bạch Thông) và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận (Chợ Mới). Bắc Kạn hiện đã có những thôn, bản lấy du lịch nông thôn làm hướng phát triển kinh tế chính. Đó là các thôn Bó Lù, Pác Ngòi, Cốc Tộc chung quanh hồ Ba Bể.

Tại đây hiện có hơn 60 hộ làm homestay phục vụ khách trong nước và quốc tế. Để phát huy tiềm năng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025.

Theo đó, tỉnh phấn đấu, đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.