Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn

Xác định chuyển đổi số là “cao tốc” ngắn nhất giúp rút ngắn khoảng cách phát triển, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực triển khai lĩnh vực này. Đặc biệt đối với vùng nông thôn, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đi đôi với thực hiện các giải pháp cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên, thanh niên thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) đến từng nhà hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công. (Ảnh: ĐẶNG TUYẾT)
Đoàn viên, thanh niên thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) đến từng nhà hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công. (Ảnh: ĐẶNG TUYẾT)

Bắc Kạn đã triển khai nhiều mô hình, cách làm để hướng dẫn, nhân rộng, tạo phong trào chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Từ tháng 7/2023, Bắc Kạn triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã, phường, thị trấn. Theo đó, các xã, phường, thị trấn diện thí điểm được hỗ trợ đầu chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Các xã, phường, thị trấn được đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông bảo đảm phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và internet băng rộng đến trung tâm xã và 100% các thôn.

Các xã được nâng cấp, bổ sung hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, máy tính để bảo đảm cấu hình, yêu cầu của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng cho cán bộ, công chức.

Tỉnh cũng hỗ trợ, khuyến khích người dân trang bị, sử dụng điện thoại thông minh trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp cận, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản lên các sàn thương mại điện tử…

Tháng 12/2023, Bắc Kạn lựa chọn Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt (Ngân Sơn) và Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân (Chợ Đồn) làm điểm triển khai mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.

Hai hợp tác xã được đầu tư hệ thống điều khiển trung tâm gắn kết với hệ thống tưới, hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, sử dụng công nghệ điện toán đám mây kết nối các thiết bị đầu cuối xuyên suốt quá trình trồng trọt.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn ảnh 1

Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THU HÀ)

Tỉnh cũng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực tiếp cận ứng dụng chuyển đối số, sử dụng hệ thống SmartFarm vào quản trị sản xuất, kỹ thuật khuyến nông; minh bạch hóa dữ liệu sản xuất, bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đến nay, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G tại thôn, bản của Bắc Kạn ước đạt 96%. Tỉnh đã có 108/108 xã thành lập được Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên; 1.292/1.292 thôn, bản thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên.

Đẩy mạnh lĩnh vực này, Bắc Kạn ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, tỉnh triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột là phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Tỉnh tăng cường áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ Nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công toàn trình và toàn trình một phần ở cấp xã.

Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, tạo lập cơ sở dữ liệu, thực hiện quản lý thông tin, quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực.

Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.