Khi người dân tin tưởng, đồng thuận

Không có cơ quan, đoàn thể nào đứng ngoài cuộc, mà cần phải cùng tham gia tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng phục vụ dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô; Hệ thống chính trị của huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã cụ thể hóa yêu cầu ấy một cách hiệu quả, nhờ đó đến trước ngày khởi công dự án đường vành đai 4, huyện đã thu hồi được gần 200ha đất, đạt 84,1%, vượt xa so với yêu cầu đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức. (Ảnh DUY LINH)
Chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức. (Ảnh DUY LINH)

Ông Nguyễn Duy Đoan ở thôn An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức chia sẻ: “Để phục vụ dự án đường vành đai 4, gia đình tôi đã hai lần bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ. Lần thứ nhất, gia đình bàn giao 5.469m2 trên tổng số 7.800m2 diện tích đất thuê thầu của xã, hiện đang trồng cây cảnh và cây ăn quả. Lần thứ hai, tôi bàn giao 248,1m2 trong tổng số 253m2 đất nông nghiệp”.

Theo ông Đoan, dù toàn bộ diện tích đất trong diện giải phóng mặt bằng đều là đất trồng cây cảnh, cây ăn quả, đang cho thu nhập cao và ổn định, song gia đình luôn sẵn sàng ủng hộ các dự án công trình phúc lợi tập thể, nhất là các dự án giao thông do Nhà nước thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thượng Cao Văn Tâm cho biết, xã An Thượng có diện tích đất thu hồi lớn thứ hai so với các xã có dự án đường vành đai 4 đi qua (khoảng 50,3ha). Xác định đây là dự án trọng điểm của quốc gia, cho nên ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 4, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã An Thượng đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động người dân.

Dù cắm mốc giới muộn nhất trong số các xã của huyện có đường vành đai 4 đi qua, nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng của An Thượng đã đạt 83,2% (42,5/50,3ha), vượt chỉ tiêu thành phố giao. “Về cơ bản các hộ dân đồng thuận cao với phương án giải phóng mặt bằng, không có trường hợp nào chây ỳ hoặc chống đối.

Số diện tích chưa thu hồi được hầu hết là do chủ hộ thiếu hồ sơ sổ sách, hoặc trong hộ gia đình có người mất chưa làm ủy quyền được. Chúng tôi sẽ phối hợp với người dân, chính quyền cơ sở để giải quyết tồn đọng, vướng mắc còn lại”, ông Cao Văn Tâm khẳng định.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Chí Hiệu cho biết: Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, đoạn qua huyện Hoài Đức dài khoảng 17,1km, đi qua địa bàn 12 xã: Đức Thượng, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, La Phù, Đông La.

Tổng diện tích đất phải thu hồi giải phóng mặt bằng là 239,63ha, trong đó: Diện tích đất nông nghiệp khoảng 165,77ha, liên quan 6.175 hộ dân; đất có nhà ở diện tích 0,66ha của 115 hộ dân; đất doanh nghiệp thuê sản xuất-kinh doanh 1,32ha; đất công, đường, mương nội đồng do UBND các xã quản lý 71,84ha; đã kê khai kiểm đếm 2.488 ngôi mộ.

Khi triển khai họp với người dân, đại diện Ban Thường vụ Huyện ủy cùng với lãnh đạo các phòng, ban chức năng của huyện trực tiếp đối thoại, trả lời người dân, nếu có vấn đề gì người dân chưa rõ, như về tài chính thì Phòng Tài chính trả lời, về nguồn gốc đất thì Phòng Tài nguyên và Môi trường phải giải thích ngay.

Ban Dân vận Huyện ủy cũng đã tổ chức hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội huyện, khối dân vận các xã, thị trấn tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về triển khai dự án; tổ chức hội nghị tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách về hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Hoài Đức”; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trên cơ sở đó tham mưu các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện.

Bằng các biện pháp tổng hợp, hữu hiệu ấy, người dân đã ủng hộ rất cao và gần như không có đơn thư khiếu nại về công tác giải phóng mặt bằng. “Ngay sau khi được chính quyền tuyên truyền, thông tin về dự án, gia đình đã nhanh chóng bàn giao hơn 1.000m2 đất và là một trong những hộ dân đầu tiên nhận tiền đền bù ngay trong đợt 1. Chúng tôi rất ủng hộ và mong đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm về chất lượng và đưa tuyến đường vành đai 4 về đích theo đúng tiến độ đề ra”, ông Nguyễn Đắc Tùng ở xã Song Phương nói.

Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, đến nay, chín trong số 12 xã có diện tích đất cần thu hồi để làm đường vành đai 4, đã cơ bản thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi được gần 200ha đất, đạt 84,1% tổng diện tích đất phải thu hồi thực hiện dự án.

Thời gian tới, huyện tập trung công tác xây dựng các khu tái định cư; chỉnh trang các khu nghĩa trang nhân dân và đề xuất thành phố phương án tháo gỡ khó khăn, xây dựng khu nghĩa trang mới, để di chuyển nốt số mộ chí còn lại, bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch của thành phố là trước ngày 31/12/2023 bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công thực hiện dự án đường vành đai 4.