Khi giáo viên hành xử thiếu chuẩn mực

Hàng loạt vụ việc đáng tiếc do những hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên trong thời gian gần đây cho thấy, đã đến lúc cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề đạo đức, ứng xử của nhà giáo trong trường học.
0:00 / 0:00
0:00

Một trong những vụ việc ảnh hưởng lớn tới uy tín ngành giáo dục Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung là việc cô giáo Nguyễn Thị P., giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4, phụ trách môn Giáo dục công dân và công tác tư vấn học đường tại Trường trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) đã phạt một nữ sinh lớp 12, đuổi học sinh này khỏi lớp và có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực chỉ vì em này không mua bánh sinh nhật cho lớp đúng cửa hàng mà cô giáo yêu cầu. Chỉ với vài chục giây ghi lại hình ảnh cô P. kéo lê nữ sinh ở hành lang, cô P. đã khiến cho cộng đồng mạng bất bình và buộc trường phải đưa ra quyết định tạm đình chỉ công việc của cô P. cho đến khi công an xác minh rõ sự việc.

Vụ việc gây xôn xao tiếp theo là thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường trung học phổ thông Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất) đã có lời nói thô bạo, xúc phạm một học sinh lớp 10 ngay trên bục giảng. Trong video ghi lại cảnh thầy giáo gọi một nam sinh lên bục giảng. Thầy xưng là "bố mày" và chỉ tay vào mặt học sinh, nói bằng từ ngữ xúc phạm em này…

Và mới đây nhất, ngày 4/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã đề nghị Ủy ban nhân dân thị trấn Trâu Quỳ ra văn bản đóng cửa Cơ sở mầm non tư thục Ngôi Sao Nhỏ (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) vì có clip ghi cảnh giáo viên cơ sở giáo dục này dúi đầu, bóp miệng trẻ 14 tháng tuổi, gây phẫn nộ trong dư luận.

Hàng loạt hình ảnh phản cảm của giáo viên khiến nhiều người lo lắng về đạo đức nhà giáo, khi họ là những người tạo nên chất lượng giáo dục, tác động trực tiếp đến sự trưởng thành, tương lai của lớp trẻ. Với tính chất đặc biệt của nghề giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể về chuẩn mực ứng xử của giáo viên đối với người học.

Theo đó, ngôn ngữ nhà giáo phải có sự chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình sao cho phù hợp với từng đối tượng và từng hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, có trách nhiệm, thương yêu; tôn trọng những điều khác biệt, đối xử một cách công bằng, tư vấn, lắng nghe, động viên và khích lệ người học; xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Không được xúc phạm, gây ra tổn thương và vụ lợi; không được trù dập, có định kiến, xâm hại và bạo hành; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu những hành vi mà người học vi phạm.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lên tiếng: "Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên có hành vi vi phạm chuẩn mực nhà giáo, nhất là vi phạm về chuẩn mực đạo đức của nhà giáo. Chúng tôi đã báo cáo thành phố và được chỉ đạo với những tình huống vi phạm chuẩn mực về đạo đức sẽ xử lý nghiêm". Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật hay đình chỉ giáo viên chỉ là những biện pháp hành chính sau khi những vi phạm diễn ra.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, công tác tư vấn tâm lý học đường vẫn chưa được chú trọng đúng mức trong trường học. Trong khi đó, hàng chục triệu học sinh và hơn hai triệu nhà giáo mỗi ngày đều có thể phải đối mặt với những tình huống thực tế rất khác nhau, đòi hỏi kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và những vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ, giải tỏa để tránh nảy sinh hành vi đáng tiếc, phản giáo dục.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, hiện Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội đang có kế hoạch tăng cường phối hợp với các nhà trường tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, tập huấn về tâm lý học cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm ngăn chặn hiệu quả việc phát sinh các vấn đề về tâm lý trong nhà trường.