Khẳng định vị thế Thủ đô di sản

Vào những ngày cuối năm 2015, những người yêu mến văn hóa Hà Nội đón nhận nhiều tin vui. Trò kéo co ngồi ở phường Thạch Bàn, kéo co mỏ ở xã Xuân Thu cùng với trò kéo co ở một số quốc gia khác trong khu vực được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Trong lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, thành phố có thêm năm bảo vật quốc gia. Cũng trong dịp này, ngành văn hóa hoàn tất công tác tổng kiểm kê di tích. Hiện toàn thành phố có tới 5.874 di tích các loại (tăng thêm 700 di tích so với trước đây). Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn, nhất là trong công tác quản lý, bảo tồn di sản.

Thi đấu kéo co ngồi tại Hội đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên).
Thi đấu kéo co ngồi tại Hội đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên).

Việc trò kéo co ngồi ở Thạch Bàn (quận Long Biên), kéo co mỏ ở Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (trong hồ sơ đa quốc gia về kéo co của Việt Nam và các nước Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Phi-li-pin) thêm một lần khẳng định kho tàng văn hóa giàu có của Thủ đô Hà Nội. Trước đây, nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một trò chơi dân gian như bao trò chơi khác. Nhưng khi các nhà văn hóa vào cuộc, những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc đã được nhận diện. Ở Thạch Bàn, từ câu chuyện trai xóm nọ tranh giành nước với trai xóm kia từ xa xưa, khi làng gặp hạn hán, người xưa đã sáng tạo nên trò kéo co, mô tả chuyện giằng đi giằng lại thùng nước trình diễn trong hội làng. Phải là gia đình có năm đời sinh sống ở làng trở lên, phải là gia đình nền nếp, gia giáo mới được tham gia kéo co. Và dù có ba đội kéo co, nhưng người dân luôn mong muốn đội kéo co xóm Đường thắng, với niềm tin rằng đội xóm Đường thắng sẽ đem lại ấm no, phát đạt. Các đội tham gia thường nhường cho đội xóm Đường. Chuyện thắng thua cũng mang thông điệp về cầu mùa trong trò kéo co mỏ (kéo co bằng hai cây tre, bẻ quặt mỏ móc lại với nhau, mỗi đội cầm một cây nên gọi là kéo mỏ) trong hội đền Vua Bà ở thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn). Được tham gia kéo co là vinh dự lớn. Từ việc chuẩn bị cho kéo co tưởng rất bình thường như chọn cây tre, chọn người chặt tre, “rước” cây tre về cũng được làm bằng cả sự thành kính với một nghi thức trang trọng. Cuộc kéo co kết thúc, người ta tin rằng nếu đội đứng ở hướng nam thắng thì được mùa, mưa gió thuận hòa, nếu đội đứng ở hướng bắc thắng thì chỉ được mùa đỗ trắng (cây đậu trắng). Niềm tin đã giúp nghi lễ bền vững qua năm tháng; trò chơi giúp cố kết cộng đồng thêm bền chặt. Đó là những lý do quan trọng để kéo co ngồi vượt qua khuôn khổ của trò chơi, bước lên tầm di sản nhân loại.

Đến thời điểm này, Việt Nam có mười di sản văn hóa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại thì có ba loại hình tồn tại trên địa bàn Hà Nội. Đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội cũng đang trong giai đoạn cuối cùng. Từ trường hợp của kéo co ngồi, kéo co mỏ được nhận diện giá trị khi các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu, có thể kỳ vọng sẽ có thêm những di sản độc đáo khác được làm rõ, được khẳng định và phát huy từ cuộc tổng kiểm kê.

Hà Nội vốn được mệnh danh là Thủ đô di sản. Trước đây, khi hợp nhất Hà Nội – Hà Tây, tổng số di tích của hai địa phương là 5.175 di tích. Con số này đã giúp Hà Nội giữ kỷ lục là địa phương có nhiều di tích nhất cả nước. Cuối năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội kết thúc đợt Tổng kiểm kê di tích. Kết quả đợt tổng kiểm kê cho thấy, toàn thành phố có tới 5.874 di tích các loại, gồm: đền, đình, chùa, miếu, nhà thờ họ… Có thêm 700 di tích được nhận diện, phát hiện. Trong đó, có 1.167 di tích cấp quốc gia, 1.179 di tích cấp thành phố và rất nhiều di tích có giá trị thành phố sẽ từng bước làm hồ sơ công nhận. Đợt Tổng kiểm kê cũng xác lập một kỷ lục khác: Thành phố có tới 317.000 hiện vật có giá trị đang nằm trong các di tích. Từ kết quả đáng mừng này, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị “mỏ vàng” di tích trên địa bàn.

Không chỉ nhiều về số lượng, di tích trên địa bàn Hà Nội cũng mang những giá trị đặc biệt. 12 di tích đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Mới đây, Hà Nội có thêm năm Bảo vật quốc gia, gồm: Tượng Trấn Vũ (niên đại 1802, tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên); Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương (niên đại cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, tại đền Lạc Long Quân, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) và ba hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội: cây đèn gốm (niên đại 1582); Long đình gốm Bát Tràng (niên đại thế kỷ XVII); Trống đồng Cổ Loa và sưu tập lưỡi cày đồng thời Đông Sơn. Thành phố đã và đang khai thác một cách khá hiệu quả những di tích, di sản nổi bật vào phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch.

Nhưng bên cạnh những tín hiệu vui, vẫn còn những băn khoăn. Quần thể danh thắng Chùa Hương được các nhà khoa học đánh giá là xứng tầm Di tích quốc gia đặc biệt, có thể đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Song, nhà chùa đã tự ý xây dựng một công trình không phép trong khuôn viên chùa. Việc làm hồ sơ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt sẽ bị chậm lại, ít nhất cho đến khi tìm được phương hướng xử lý đối với sai phạm này. Chùa Hương không phải di tích duy nhất gặp phải tình trạng này. Quá trình Tổng kiểm kê di tích cho thấy, toàn thành phố còn tới 211 di tích xuống cấp nghiêm trọng, mà thành phố chưa tìm được nguồn kinh phí đầu tư tu bổ. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang ở lằn ranh mong manh giữa tồn tại và mai một mà ca trù là một điển hình. Sau sáu năm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ca trù Hà Nội phát triển về lượng, nhưng vẫn còn đuối về chất và chưa thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp. Danh hiệu “Thủ đô di sản” là một niềm tự hào, nhưng đi kèm với đó là những thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy, khai thác những giá trị này trong thời gian tới.