Khẳng định vị thế "Thành phố vì hòa bình"

Ðúng ngày này 20 năm trước (ngày 16-7-1999), Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Danh hiệu này đã góp phần nâng cao hơn nữa niềm tự hào dân tộc của người dân Hà Nội, cổ vũ động viên nhân dân đóng góp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Tình nguyện viên du lịch hướng dẫn cho du khách nước ngoài về di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám.Ảnh: MINH HÀ
Tình nguyện viên du lịch hướng dẫn cho du khách nước ngoài về di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám.Ảnh: MINH HÀ

Năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO chọn là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Hà Nội đã đạt cả bốn tiêu chí của giải thưởng gồm: Sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

Cùng với danh hiệu "Thành phố Anh hùng", Hà Nội có thêm danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Ðó là niềm vinh dự và tự hào không những với người dân Hà Nội, mà còn với nhân dân cả nước. Hà Nội qua "một thời đạn bom" đã bước sang "một thời hòa bình" và phát triển. Danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Danh hiệu này cũng góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên trường quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu về Hà Nội với thế giới, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế với các nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, dịch vụ…

Từ khi đón nhận danh hiệu cao quý này, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án về văn hóa, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường... Thành phố cải tạo, chỉnh trang khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công trình mang ý nghĩa tôn vinh văn hóa dân tộc, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam và chính thức chọn hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô. Truyền thống văn hiến lịch sử lâu đời được kế thừa trong sự vươn lên của thành phố.

20 năm qua, Thủ đô Hà Nội được xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, mà còn là trung tâm giao lưu quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng hằng năm. Số người nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội cũng tăng đáng kể. Việc quảng bá hình ảnh "Thành phố vì hòa bình" qua các hoạt động đối ngoại nhân dân luôn được thành phố chú trọng và phát huy. Năm 2018, Hà Nội đón gần sáu triệu lượt khách du lịch quốc tế từ hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 20 triệu lượt khách du lịch trong nước. Hoạt động du lịch đã góp phần tôn vinh truyền thống văn hiến, anh hùng của Thành phố vì hòa bình, đồng thời mang lại nguồn thu đáng kể cho kinh tế Thủ đô.

Những năm gần đây, Hà Nội được báo chí quốc tế nhắc đến với tư cách là một điểm đến đặc biệt an toàn, nhất là đối với các chính khách. Nhiều hội nghị cấp quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội, trong đó có Hội nghị cấp cao APEC (năm 2006), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (năm 2018), gần đây nhất là Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai (tháng 2-2019)… đã khẳng định vị thế của Thủ đô. Việc thành phố được chọn là điểm tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng chứng minh Hà Nội có uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và thế giới.

Trong quá trình phát triển, thành phố đã có nhiều thay đổi đáng kể, bên cạnh những chuyển biến tích cực cũng phát sinh các khó khăn, thách thức mới. Ðể phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, đưa Thủ đô xứng tầm với sự phát triển của đất nước, thành phố sẽ khai thác và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển trên mọi lĩnh vực, mở rộng hợp tác, hội nhập, giải quyết tốt các bất cập phát sinh trong quá trình đô thị hóa, các vấn đề xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân, nâng cao vị thế của Thủ đô.

Bên cạnh những nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, việc tham gia xây dựng thành phố còn cần sự ủng hộ và tham gia tích cực của công dân Thủ đô. Mỗi người dân cần ý thức được niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ danh hiệu này bằng việc tích cực thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Có hành vi ứng xử lịch sự, từ những việc làm đơn giản hằng ngày như chấp hành Luật Giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế bán hàng rong, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Cùng với đó là việc giáo dục trong nhà trường, tuyên truyền vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân về danh hiệu cao quý này.

Hai thập kỷ chưa phải là khoảng thời gian dài, song là khoảng thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội. Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt những tiêu chí của danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Với chiều sâu văn hóa, với nỗ lực đổi mới toàn diện, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Hà Nội tiếp tục vươn lên, phấn đấu trở thành thành phố sáng tạo đầu tiên trong khu vực Ðông - Nam Á tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

TRẦN THỊ PHƯƠNG

Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội