Khắc phục tận gốc tình trạng ùn tắc giao thông

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm ùn tắc giao thông.
0:00 / 0:00
0:00

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 225 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thực hiện từ năm 2024 đến 2027, sẽ điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách tại các vị trí đủ điều kiện, tổ chức giao thông tại một số nút giao trên bảy tuyến đường, phố gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến.

Có thể thấy đây là bảy tuyến đường có mật độ giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm. Trong đó trục Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương-Tố Hữu là trục giao thông xuyên tâm, kết nối các quận phía tây nam vào trung tâm. Dọc tuyến có nhiều nhà ở cao tầng, văn phòng làm việc, nhiều điểm giao cắt nên lưu lượng phương tiện lớn. Đường Khuất Duy Tiến là một đoạn của tuyến đường Vành đai 3, có mật độ giao thông lớn nhất trên tuyến, thường xuyên ùn tắc. Còn hai tuyến phố Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám là đường kết nối đường Lê Văn Lương và đường Trần Duy Hưng - hai tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ ra vào thành phố, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Việc cải tạo hạ tầng các tuyến đường nêu trên chủ yếu là xén hè, thu hẹp dải phân cách, tổ chức lại giao thông nhằm tăng khả năng lưu thông của các phương tiện.

Mặc dù không phải chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng, thời gian thi công khá nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về giao thông, nhưng việc thành phố chi hàng tỷ đồng thi công xén hè, thu hẹp dải phân cách trên tuyến đường để mở rộng đường giao thông tạo ra nhiều ý kiến. Những dải phân cách trên tuyến đường vốn được trồng cây xanh, tạo cảnh quan rất đẹp, hoặc những đoạn hè đường rộng rãi dành cho người đi bộ ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các phương tiện giao thông. Phương án xén hè, dải phân cách mang tính tình thế trong khi nguyên nhân gốc rễ của tình trạng quá tải hạ tầng giao thông khu vực này là do sự phát triển quá nóng của các khu đô thị cao tầng và phương tiện giao thông cá nhân lại chưa thể giải quyết dứt điểm. Mặc dù trên tuyến này có đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, tuyến BRT Kim Mã-Yên Nghĩa hoạt động, hằng ngày vận chuyển hàng trăm nghìn lượt người, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cho nên số người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên tuyến vẫn rất lớn, dẫn đến ùn tắc.

Để khắc phục tận gốc ùn tắc giao thông, thành phố cần nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường sắt đô thị, kết nối nhau tạo thành hệ thống trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời phối hợp các cơ quan bộ, ngành di chuyển trụ sở từ trung tâm ra các khu vực quy hoạch mới; thực hiện nghiêm quy định, quy hoạch về hạn chế xây các tòa nhà, chung cư cao tầng trong nội thành; đẩy nhanh xây dựng các đô thị vệ tinh để thu hút người dân đến sinh sống, kéo giảm mật độ dân cư nội đô... ■