Huy động sự tham gia của toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

NDO - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đối tượng chính được thụ hưởng chính sách là người dân, do đó rất cần có sự tham gia của người dân trong công tác này.
0:00 / 0:00
0:00

Xây dựng thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tham gia thảo luận tại Tổ 4, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí sự cần thiết xây dựng luật, nhằm góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý và sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Huy động sự tham gia của toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu thảo luận. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Để nâng tầm cũng như tăng cường chất lượng của dự án luật, phát huy được vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi luật pháp cho phép có thể ban hành một nghị định riêng để tăng lương, củng cố lực lượng này.

Đại biểu cho rằng, đối với dự án luật này, để có tầm vóc cao hơn, dự án luật cần có thêm các quy định về một lực lượng rất quan trọng ở cơ sở - đó là người dân.

“Dân là tai mắt, vì dân nhưng cũng phải do dân. Tôi nghĩ rằng nếu công an chính quy tăng cường về cơ sở thì chỉ là cái lực kéo, còn dân không tham gia vào thì sẽ không có lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nếu chúng ta dựa vào dân thì chính là một cách lo xa và lo sớm”, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Khẳng định huy động sức dân là quan trọng, đại biểu thành phố Hải Phòng đề nghị cần phải bổ sung thêm một chương vào dự án luật này liên quan huy động sức dân tham gia vào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với các quy trình, quy phạm, quy định từ sớm, từ xa cụ thể.

Huy động sự tham gia của toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 2

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng nhấn mạnh cần phải nhận thức đúng hơn về không gian an ninh ở cơ sở để nâng tầm chức năng của dự án luật theo hướng chặt chẽ, toàn diện, tầm vóc hơn và mang tính chất bao trùm, điều chỉnh hành vi xã hội ở mức độ rộng rãi với tính liên kết, gắn kết chứ không chỉ riêng lực lượng được hành chính hóa trong khi người dân thì đứng ngoài cuộc.

“Từ lãnh đạo, quản lý nhà nước về hành chính cho đến các lực lượng an ninh trật tự muốn làm tốt ở cơ sở, từ biên giới đến hải đảo cho đến nông thôn thì đều phải dựa vào dân. Nếu người dân không tham gia, đứng ngoài cuộc dù họ có quyền và lợi ích ở chính địa phương của mình, chỉ để chờ thụ động như thế thì tôi cho rằng là một luật không tích cực”, đại biểu nêu quan điểm.

Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, dự án luật đang thiếu vắng vai trò tham gia của một lực lượng gián tiếp là người dân.

Theo đại biểu, chức năng, nhiệm vụ chính của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được quy định rất rõ trong Điều 2 dự án luật, đó là xây dựng lực lượng tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở và tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Huy động sự tham gia của toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

“Xét cho cùng chức năng, nhiệm vụ này chính là bảo đảm quốc phòng, an ninh thì chắc chắn phải xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân. Khi chúng ta thực hiện chức năng này chính là huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chứ không thuần túy chỉ là những lực lượng tham gia trực tiếp và gián tiếp”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ.

Do đó, đại biểu kiến nghị trong dự án luật này cần thể hiện rõ sự tham gia của lực lượng gián tiếp là người dân, hoặc người dân cũng có thể tham gia trực tiếp ở những mức độ khác nhau, và của cả hệ thống chính trị.

Huy động sự tham gia của toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 4

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu thảo luận. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cũng chia sẻ quan điểm này, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau khẳng định thế trận lòng dân là quan trọng nhất. Do đó, việc củng cố thế trận lòng dân mới là nhiệm vụ quan trọng thay vì phải tăng cường các lực lượng khác.

Đại biểu cho rằng, từ cơ sở thực tiễn với việc đề cao vai trò của nhân dân và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đang được thực hiện rất tốt, cần phải có những chính sách nhất quán trong việc triển khai những chủ trương và thực tiễn này.

"Cánh tay nối dài" cùng lực lượng chính quy bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thảo luận tại Tổ 12, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tán thành sự cần thiết ban hành luật và cho rằng tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, tai nạn, tội phạm… tiềm ẩn nguy cơ phức tạp nên các vi phạm cần phải được ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, để công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu quả tốt thì cần có luật, quy định rõ biên chế, ngân sách cho lực lượng này, bởi đây là vấn đề khiến nhiều cử tri còn băn khoăn.

Cũng tán thành sự cần thiết của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, về pháp lý đây không phải lực lượng thành lập mới mà thực chất là sắp xếp, tổ chức lại lực lượng đã có, gồm công an xã bán chuyên trách, dân phòng và bảo vệ dân phố.

Huy động sự tham gia của toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 5

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân phân tích, thực tế hiện nay, tất cả vụ việc an ninh trật tự, tranh chấp, khiếu kiện, xung đột đều diễn ra tại địa bàn cơ sở thôn, buôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư…, nên lực lượng này sẽ làm cầu nối, cánh tay nối dài cùng lực lượng công an xã chính quy trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ngoài ra, lực lượng này có sẵn ở trong dân, nắm rõ tình hình địa phương, cơ bản được đào tạo, huấn luyện, có kiến thức về an ninh trật tự. Trong đó, lực lượng công an xã bán chuyên trách có nhiều người được đào tạo đến trung cấp Công an nhân dân nên có trình độ, khả năng công tác.

Nữ Thiếu tướng nêu thực tế, hiện nay công an xã chính quy đã được bố trí 100% địa bàn toàn quốc nhưng số lượng còn khá mỏng, có những xã ở địa bàn Tây Nguyên chỉ có 5 cán bộ công an xã nhưng vẫn phải thực hiện tất cả yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

Do đó, nữ đại biểu cho rằng nếu không có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ thì công an xã chính quy sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ.