Hướng tới hình thành những “tuyến phố lễ hội”

Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 giới thiệu một hình thức trải nghiệm mới hướng đến công chúng tham gia, đó là bố trí không gian lễ hội theo tuyến.
Công chúng sẽ được tiếp cận Nhà hát Lớn một cách mới lạ thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Công chúng sẽ được tiếp cận Nhà hát Lớn một cách mới lạ thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Việc các tuyến phố: Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông và dốc Bác Cổ-Tràng Tiền được khai thác làm không gian của lễ hội sẽ khai phá những tiềm năng của nhiều di sản kiến trúc quan trọng trong các hoạt động sáng tạo; xa hơn nữa hình thành những “tuyến phố lễ hội” - động lực quan trọng góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Lễ hội thiết kế sáng tạo là hoạt động được Hà Nội triển khai nhằm thực hiện cam kết của thành phố với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới Các thành phố sáng tạo. Năm nay, lễ hội được tổ chức từ ngày 9 đến 17/11.

Trải nghiệm tuyến lễ hội kiểu mới

Tuyến lễ hội có lẽ còn mới tại Việt Nam nhưng là hình thức tổ chức lễ hội phổ biến ở nhiều thành phố trên thế giới. Hình thức này sẽ giúp kết nối thêm nhiều hoạt động, sự kiện sáng tạo, thu hút các cộng đồng sáng tạo, từng bước định hình một hình thức tổ chức lễ hội đặc sắc và bài bản. Thiết kế lễ hội theo tuyến giúp gia tăng sự tích cực tham gia, khuyến khích sự tìm hiểu và tự do lựa chọn của người trải nghiệm.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ khai thác tuyến trung tâm là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám với hai trục bắc nam (phố Lý Thái Tổ-phố Lê Thánh Tông) và đông tây (dốc Bác Cổ-phố Tràng Tiền). Tuyến lễ hội liên kết các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Thủ đô Hà Nội, kết hợp các hoạt động trên các tuyến phố, vườn hoa trong khu vực, tạo ra một không gian văn hóa mới. Trên tuyến chính, công chúng sẽ được tham gia khoảng 80 hoạt động, sự kiện sáng tạo.

Trong đó, Cung Thiếu nhi - địa điểm diễn ra nhiều hoạt động của lễ hội - lấy ý tưởng chính là “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai”, sẽ bao gồm các hoạt động sáng tạo như: Sắp đặt, công trình biểu tượng, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật… Điểm nhấn trên tuyến “Giao lộ sáng tạo” là cụm tác phẩm kiến trúc, sắp đặt, ánh sáng… ở tòa nhà 19 Lê Thánh Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội hứa hẹn đem tới những trải nghiệm sâu sắc về lịch sử kiến trúc Đông Dương, Việt Nam và những nghiên cứu để kế thừa phát triển các di sản đó.

Lễ hội còn có các công trình pavilion (tạm hiểu là không gian thiết kế, kiến trúc) “Hành lang Ấu Trĩ” tại Cung Thiếu nhi, pavilion “Dòng” tại Bắc Bộ Phủ và Vườn hoa Diên Hồng, pavilion “Bảo tàng Lịch sử tương lai” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Cùng với đó là trưng bày về các không gian sáng tạo, các hoạt động triển lãm - trưng bày- sắp đặt nghệ thuật, các buổi biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo khác. Dịp này, thành phố cũng kêu gọi rộng rãi các đơn vị, tổ chức, cá nhân nằm trên tuyến trải nghiệm “Giao lộ sáng tạo” hưởng ứng bằng các hoạt động đa dạng như trưng bày, sắp đặt… nhằm tạo sự phong phú cho hoạt động lễ hội, vừa lan tỏa tinh thần sáng tạo tới cộng đồng.

Kết nối quá khứ và tương lai

Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 mong muốn gia tăng hiểu biết, lòng tự hào và tinh thần gắn kết với lịch sử Hà Nội cho công chúng, qua đó thúc đẩy sự đóng góp cho hoạt động sáng tạo và phát triển thành phố. Công chúng sẽ được khám phá và tham gia những đối thoại mới trên nền tảng lịch sử, ký ức cộng đồng và các công trình di sản đặc sắc. Bên cạnh các công trình di sản đô thị mang kiến trúc Pháp thường xuyên mở cửa đón du khách như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì người dân có thể tham quan, tìm hiểu các di sản đô thị khác như: Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ), Nhà hát Lớn, Đại học Quốc gia Hà Nội (trước đây là Trường đại học Tổng hợp, thời Pháp thuộc là Đại học Đông Dương).

Đến với lễ hội, công chúng sẽ có cơ hội được “chạm” vào các di sản kiến trúc. Những hoạt động trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật mà chính các di sản kiến trúc ấy là không gian tổ chức sẽ góp phần kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Thí dụ như công trình pavilion “Dòng” sẽ đưa công chúng đi từ một không gian “mở” (Vườn hoa Diên Hồng) đến không gian “đóng” (bên trong Bắc Bộ Phủ), đến cuối tuyến là một không gian kiến trúc như một dòng chảy lịch sử cuốn quanh những công trình di sản, kết nối di sản với hiện tại.

Hay như pavillion “Bảo tàng Lịch sử tương lai” sẽ là nơi trưng bày thông tin lịch sử, quá trình xây dựng và kiến trúc của bảo tàng cũng như các công trình di sản khác; thông qua đó truyền tải thông điệp cần lưu giữ và khơi gợi tình yêu với Hà Nội, để cùng trân trọng những giá trị hiện tại đến với thế hệ sau.

Lễ hội cũng đề cao vai trò của thiếu nhi và thanh niên trong vai trò kiến tạo thế giới và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trong tương lai. Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội có rất nhiều hoạt động thu hút sự tham gia tương tác của giới trẻ. Tại đây có khoảng 30 sự kiện trưng bày, triển lãm, chiếu phim, tọa đàm... liên quan nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, những hoạt động tại lễ hội thiết kế sáng tạo chính là gợi ý để tái thiết đô thị, phát triển công nghiệp văn hóa-sáng tạo bằng các hình thức khác nhau.