Hưng Yên xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 về chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, hơn hai năm qua, việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số ở tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm phục vụ hành chính công của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên.
Trung tâm phục vụ hành chính công của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên.

Giám đốc Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh Hưng Yên Bùi Mạnh Hà cho biết: Hưng Yên đã hoàn thành xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC). Việc triển khai và vận hành IOC Hưng Yên như một công cụ giúp phân tích, khai thác thông tin, dữ liệu..., phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, trung tâm còn ứng dụng các tiện ích thông minh giúp tương tác giữa chính quyền với người dân, qua đó nhanh chóng nắm bắt, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 về chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác chuyển đổi số. Tỉnh đã ban hành một số cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số như phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên phiên bản 2.0; ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số; thành lập tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Ðề án số 06)... Tất cả các cơ quan, đơn vị của Ðảng, Nhà nước trên địa bàn đều có hệ thống mạng nội bộ, kết nối internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng... ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã với 200 điểm kết nối.

Tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) có các thành phần đáp ứng yêu cầu theo Quyết định số 2323/QÐ-BTTTT. Ðến nay, đã kết nối chính thức đến các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc tám bộ, ngành. Trong đó, cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và nền tảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các hệ thống thông tin chuyên ngành của các bộ, ngành-trung ương thông qua trục LGSP tỉnh. Trên hệ thống đang cung cấp 1.834 thủ tục hành chính; trong đó, 644 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến một phần; 951 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến toàn phần, đạt 59,6%.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh Hưng Yên đã cấp hơn 11.400 hộp thư điện tử cho tất cả cán bộ, công chức tại các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và hơn 90% số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn và các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội khác của tỉnh. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai theo mô hình tập trung và được kết nối liên thông bốn cấp, được tích hợp chứng thư số của cơ quan, chữ ký số của lãnh đạo. Hơn 2.493 chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho các đơn vị đã phục vụ việc ký số văn bản điện tử. Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Tỷ lệ văn bản được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước đạt khoảng 99%. Trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh cập nhật số liệu theo thời gian thực từ các nền tảng số, qua đó phân tích, theo dõi, so sánh số liệu của các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành để kịp thời chỉ đạo điều hành.

Các kế hoạch, đề án về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường, bước đầu tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, gửi nhận văn bản điện tử, tổ chức hội nghị trực tuyến được thực hiện thường xuyên, thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính từng bước hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ðể thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU hiệu quả, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên Bùi Văn Sỹ cho biết: Hưng Yên sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng thực hiện Ðề án số 06; đầu tư hoàn thiện, phát triển Trung tâm Ðiều hành thông minh tỉnh...; tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp bảo đảm tiêu chí 100% số dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến trên hệ thống, đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng...■