Chuyện xưa chuyện nay

Hụi, một hình thức tín dụng dân gian

NDO - Theo nhà văn Sơn Nam, hụi (họ) đã có ở miền Nam từ thế kỷ 19. Nhưng theo nhiều tài liệu khác, hình thức tín dụng dân gian này đã có ở Việt Nam từ rất sớm, xuất hiện tại các xóm, thôn, làng, chợ ở phía Bắc như một sự tương thân, hỗ trợ bằng gạo, nông sản, gia súc hoặc tiền... trong cộng đồng. Hình thức tín dụng dân gian này dựa hoàn toàn vào tín chấp, sự thân quen trong nhóm cộng đồng.

Qua hàng trăm năm, loại hình tín dụng này luôn tồn tại ở khắp các hang cùng ngõ hẻm và ngày càng phát triển đa dạng. Có người chơi hụi ngày, hụi tuần, tháng hoặc năm. Hụi tiền, hụi đô-la... có đủ. Cứ như một chu kỳ, lâu lâu báo chí lại rộ lên chuyện bể hụi ở nơi này nơi khác, có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng người ta vẫn cứ chơi và hụi dường như sẽ còn tồn tại mãi mãi. Hụi vẫn có sức lan tỏa và tồn tại bền bỉ vì hệ thống tín dụng ngân hàng chưa thể đáp ứng nhu cầu tín dụng có tính khẩn cấp, không thế chấp và rất đa dạng của xã hội. Nửa đêm, có gì cần đến tiền là gõ cửa chủ hụi yêu cầu hốt nóng là có ngay. Ðây còn là hình thức tiết kiệm có lãi suất cao trong dân gian đã giúp rất nhiều người có cơ hội cải thiện cuộc sống của mình (nhất là trong thời bao cấp). Với các chợ nhỏ, chợ "chồm hổm" mà người buôn bán phần lớn là người nghèo, các loại hụi này chính là nơi nương tựa tài chính của họ để họ có thể vượt qua những lúc khó khăn, quá cần tiền để trang trải nhiều vấn đề trong cuộc sống. Hụi cũng đã có thời gian "thất cơ lỡ vận" của mình. Ðó là những thập niên 80-90 của thế kỷ 20. Ðây là thời "hoàng kim" của các đường dây tín dụng với lãi suất cao chóng mặt. Người dân thời đó như một cơn mê cuồng đổ tiền tiết kiệm, dành dụm của mình vào nhiều "đại gia" huy động với lãi suất lên đến 30%-40%. Rồi hàng loạt đường dây này sập, người dân TP Hồ Chí Minh lúc ấy chao đảo, tạo nên cơn địa chấn tâm lý khủng khiếp đến nỗi Nhà nước phải can thiệp bằng nhiều biện pháp khẩn cấp để khắc phục hậu quả, kéo dài đến cả chục năm sau.

Ngày 27-11-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2006/NÐ-CP về hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là hụi, họ), quy định về các hình thức hụi, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia chơi hụi. Theo đó, Nhà nước thừa nhận quyền lập hụi của người dân nhưng cấm các hình thức cho vay nặng lãi trá hình hoặc lạm dụng tín nhiệm để lừa đảo. Nghị định xác định hai loại hụi: có lãi và không có lãi. Với hình thức có lãi, khi tham gia các thành viên phải tuân thủ quy tắc góp phần hụi và phải trả phần lãi hoặc hoa hồng cho các thành viên sau khi lĩnh (hốt) hụi. Mức lãi hoặc hoa hồng do nhóm hụi tự thỏa thuận, xác định. Trong trường hợp chủ hụi đã thu đủ các phần hụi nhưng không giao cho các thành viên hoặc các thành viên tham gia chưa góp đủ phần hụi, thì sau khi góp đủ, phải hoàn trả lại phần thiệt hại nếu có. Trong các trường hợp này, nếu không thỏa thuận được mức lãi hoặc thiệt hại thì sẽ áp dụng mức lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước công bố vào thời điểm đó. Các tranh chấp về hụi sẽ giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Nếu có yêu cầu thì các tranh chấp về hụi sẽ được tòa án giải quyết hoặc theo quy định của luật tố tụng dân sự.

Nghị định nói trên ra đời được coi như một hành lang pháp lý để mở rộng hình thức tín dụng dân gian này. Nhưng đến nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa coi việc quản lý, hợp thức hóa, đăng ký kinh doanh như một ngành nghề cho việc chơi hụi. Ðiều này vừa tăng tính rủi ro cho những người tham gia vừa không thu đủ các loại thuế cho việc kinh doanh tín dụng có tính rộng khắp này. Khi hụi, họ đi vào hoạt động có sự quản lý, đăng ký kinh doanh như mọi ngành nghề khác trong xã hội, chắc chắn Nhà nước sẽ thu về một khoản thuế không nhỏ cho ngân sách.