Hội nghị Xuân Thới Ðông quyết định cho khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ

NDO - Cách đây 71 năm, để chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ, từ ngày 21 đến 23-9-1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị toàn Xứ ủy tại làng Xuân Thới Ðông, nay là xã Tân Xuân, Hóc Môn. Hội nghị do đồng chí Tạ Uyên, người thay đồng chí Võ Văn Tần, bị thực dân Pháp bắt ngày 21-4-1940, đảm nhiệm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo hội nghị.

Ðây là một hội nghị toàn Xứ quan trọng, vì là thời điểm nối tiếp giữa hội nghị Xứ ủy Tân Hương trong tháng 7-1940 và là hội nghị để quyết định những chỉ đạo thống nhất của Xứ ủy Nam Kỳ cho cuộc khởi nghĩa chuẩn bị nổ ra sau hai tháng. Hội nghị này trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức: "Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã nổi lên và trách nhiệm nặng nề đó, Ðảng phải gánh vác. Về tổ chức và công tác phải rút hoàn toàn vào bí mật" như phân tích của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Hội nghị lần thứ VI, từ ngày 6 đến 8-11-1939 tại Bà Ðiểm, Hóc Môn. Tại Hội nghị Xứ ủy ở Xuân Thới Ðông, sau khi phân tích tình hình khách quan thế giới, đã phân tích tình hình chủ quan lực lượng ta - địch, đồng thời thảo luận sâu về bốn tình huống và thời cơ là: Khi nào Pháp - Nhật đánh nhau ở Ðông Dương? Khi nào Nhật dùng bất kỳ cách nào chiếm Ðông Dương? Khi nào Pháp cho Nhật vào Ðông Dương, dùng con đường Hà Nội - Vân Nam để tiến công Trung Hoa? Khi nào xung đột Nhật - Mỹ bùng nổ ở Ðông Dương? Qua phân tích nhiều mặt, kể cả nhìn nhận về các mặt trong mâu thuẫn Pháp - Nhật; Nhật - Mỹ bùng nổ ở Ðông Dương, hội nghị đi đến thống nhất phát động cuộc khởi nghĩa toàn Nam Kỳ. Công tác tuyên truyền, tài liệu, phân công các thành viên Xứ ủy... đã được hội nghị quyết định. "Về tình hình nội bộ, Hội nghị nhận xét Sài Gòn, Gia Ðịnh, Chợ Lớn... là những khu quan trọng, nhưng cơ sở còn chưa vững chắc. Hội nghị quyết định bổ sung một số đồng chí tiến hành ngay việc phát triển đảng và tổ chức quần chúng". Xứ ủy đã phân công đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ phụ trách chung, đồng thời trực tiếp phụ trách khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn.     

Khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra đúng như dự kiến của Xứ ủy. Tại Gia Ðịnh, cuộc khởi nghĩa có tầm quan trọng, vì Gia Ðịnh nằm sát Sài Gòn - Chợ Lớn, trung tâm đầu não của chế độ thuộc địa. Tại đây, Tỉnh ủy Gia Ðịnh do đồng chí Lê Văn Khương, Thường vụ Xứ ủy trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Ðịnh, là Ủy viên Ban khởi nghĩa của Xứ ủy, đã triệu tập Tỉnh ủy và cán bộ cốt cán của Tỉnh ủy Gia Ðịnh phổ biến tình hình và sự chuẩn bị của tỉnh Gia Ðịnh. Mặt khác Tỉnh ủy Gia Ðịnh đã có sự chuẩn bị kỹ, kể cả việc phát động tuyên truyền trong binh lính Pháp, cách tuyên truyền của các tổ chức Thanh niên phản đế, Nông hội phản đế, Phụ nữ phản đế, Binh sĩ phản chiến, Nhi đồng cứu vong... Từ ngày 7-11-1940 kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, nhiều nơi ở Gia Ðịnh xuất hiện truyền đơn, cùng với luyện tập, chuẩn bị cho lực lượng quần chúng tham gia khởi nghĩa, khi ngày quy định đã gần kề. Tại đây, từ chiều 22-11, lực lượng được tuyển chọn của các làng: Xuân Hòa, Thới Hòa, Vĩnh Lộc, Bình Hưng... thuộc tổng Bình Chánh Thượng đã sẵn sàng, kể cả cánh dự tính tập kết vào sân bay Tân Sơn Nhất và trại Ô Ma của thực dân Pháp.

Cùng với Gia Ðịnh, Hóc Môn, Thủ Ðức..., nhân dân khắp nơi đều nhất tề nổi dậy trong đêm 22 rạng sáng 23-11-1940. Cuộc khởi nghĩa đã lan rộng trong các tỉnh miền Ðông và Tây Nam Bộ với một khí thế vùng lên để giải phóng khỏi kềm kẹp, áp bức ngoại bang. Tuy nhiên, do tình thế chưa chín muồi, kẻ thù lại bắt được tài liệu về kế hoạch khởi nghĩa khi chúng bắt giữ cán bộ của Xứ ủy, cho nên đã tập trung lực lượng, đàn áp dã man.

Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại cho Ðảng ta nhiều bài học quý giá, nhất là sự chuẩn bị cho sau này tổ chức cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Bác Hồ đã đánh giá rất cao sự anh dũng, hy sinh xương máu của nhân dân Nam Kỳ trong khởi nghĩa. Trong thư gửi đồng bào cả nước, ngày 6-6-1941, Bác đã viết: "... Những cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Ðô Lương vừa rồi đã tỏ rằng: Ðồng bào ta quyết nối gót người xưa, phấn đấu hy sinh đặng phá tan xiềng xích"... "Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm".(H) Và ngày 14-4-1948, thay mặt Trung ương Ðảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất - Huân chương cao quý lúc bấy giờ cho quân và dân Nam Bộ, với tinh thần quật khởi đã làm nên Khởi nghĩa Nam Kỳ mãi mãi là trang sử đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc ta giành độc lập và tự do.

PHẠM HỒNG SƠN

---------------------------------------------

(*) - Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG, HN 1996, tập 3, tr.197.