Học nhiều điều từ triển lãm thời bao cấp

Hình ảnh những bạn trẻ trật tự xếp hàng, trong tay mỗi người là tem phiếu chờ đến lượt mua bánh mì - đó là một trong những trải nghiệm tại triển lãm "Bao cấp - xếp hàng về quá khứ". Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, thời bao cấp tuy khó khăn về vật chất, nhưng con người sống với nhau rất tình cảm. Vượt qua khuôn khổ một cuộc trưng bày, triển lãm "Bao cấp - xếp hàng về quá khứ" nhắc nhở người xem nhiều điều về giá trị của cuộc sống hôm nay.

Các bạn trẻ hào hứng trải nghiệm xếp hàng tại Quầy mậu dịch.
Các bạn trẻ hào hứng trải nghiệm xếp hàng tại Quầy mậu dịch.

Những bạn trẻ mới học phổ thông cơ sở được bố mẹ mua cho những chiếc điện thoại thông minh, đi những chiếc xe máy điện hàng chục triệu đồng không phải là chuyện hiếm trong nhưng năm gần đây. Nhưng họ nghĩ thế nào về hạnh phúc? Thực tế, rất nhiều bạn vẫn "kêu khổ", vẫn so đo với bạn bè đồng trang lứa sự hơn thua về vật chất. Rất cần có sự "đối chứng" để người trẻ hiểu hơn về chính cuộc sống hôm nay.

Triển lãm "Bao cấp - xếp hàng về quá khứ" đã phần nào làm được điều đó. Khoảng 100 hiện vật thời bao cấp được trưng bày tại Trung tâm thương mại Indochina (241 phố Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy) đưa mỗi người tham quan về với quá khứ, một quá khứ đầy ắp những kỷ niệm. Đó là những cuốn sổ gạo "vật bất ly thân" với các hộ gia đình, nó quan trọng đến nỗi đã trở thành một câu “thành ngữ” khi nói ai đó có chuyện buồn - "buồn như mất sổ gạo". Đó là những chiếc tem phiếu để mua thịt, mua vải may quần áo, hay nhiều nhu yếu phẩm khác... Đi kèm với những hiện vật ấy là những lời giải thích, nếu không giới trẻ ngày nay không thể hiểu nổi thế nào là bao cấp, thế nào là phân phối, thế nào là mậu dịch...

Triển lãm còn tái hiện không gian sinh hoạt của một gia đình được xem là "giàu có" thời đó, với những vật dụng đáng mơ ước của hơn 30 năm về trước như: tủ búp-phê, bàn ghế sa-lông, ti-vi đen trắng... Phòng khách và phòng ngủ chỉ được ngăn bằng một chiếc ri-đô. Nhà bếp đặt ngay cạnh giường ngủ, với một chiếc nồi áp suất do Liên Xô sản xuất. Triển lãm cũng giới thiệu những bài thơ, câu ca điển hình cho cuộc sống thời bao cấp như: "Một yêu anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần..." hay "Nhất gạo, nhì rau/Tam dầu, tứ muối...". Một hiện vật gây xúc động với người tham quan là bức thư của một cậu bé gửi ba khi ba đi nước ngoài. Trong kiện hàng ba cậu gửi về, có một cục gì là lạ. Mẹ cậu nghĩ là xà phòng, đem đi giặt, nhưng không thấy ra bọt. Về sau mới biết đó là bơ - thực phẩm quen thuộc thời nay, nhưng hồi đó là của hiếm. Nhưng độc đáo nhất là tái hiện việc xếp hàng mua thực phẩm. Muốn mua hàng ở quầy "mậu dịch", khách tham quan phải đổi tem phiếu, sau đó xếp hàng chờ đến lượt. Để tạo không khí giống như trước đây, Ban Tổ chức thi thoảng lại thông báo "hết hàng", khiến mọi người phải chờ đợi. Hoạt động này khiến những người tham gia hết sức thích thú. Em Nguyễn Minh Hạnh, sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Em vẫn nghe mọi người nói về việc trước đây đi mua hàng phải xếp hàng chờ đợi rất lâu, cho nên khá tò mò. Em thấy khi đến đây mọi người xếp hàng rất trật tự. Một số bác lớn tuổi kể rằng trước đây việc xếp hàng vất vả hơn, chờ đợi lâu hơn".

Phần lớn khách tham quan đến với "Bao cấp - xếp hàng về quá khứ" là những bạn trẻ, những người mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm về cuộc sống trước đây. Nhưng cũng không ít khách tham quan ở độ tuổi trung niên, những người từng sống qua thời bao cấp. Nghe nói có cuộc triển lãm về thời bao cấp, bác Nguyễn Mạnh Hùng đạp xe từ khu tập thể Thanh Xuân sang để xem và xúc động khi nhìn lại những hiện vật thân thuộc một thời. Bác chia sẻ: "Triển lãm đã nói được phần nào cuộc sống của lớp chúng tôi những năm trước. Có những chuyện mà ngày nay bọn trẻ rất khó có thể hình dung ra. Ngày xưa chúng tôi chỉ biết có chiếu bóng, có biết ti-vi là cái gì đâu? Nghe mọi người bảo có thể đem cái sân chiếu bóng về nhà mà mình không tin. Mãi sau mới biết là ti-vi. Thiếu thốn nhưng người Việt mình cũng giỏi sáng tạo để thích nghi, chẳng hạn cái lốp xe đạp hỏng thì rút lốp. Tôi chở theo cả đứa cháu nội để kể cho nó chuyện ngày xưa, để nó biết rằng cuộc sống hôm nay hạnh phúc thế nào".

SỐ lượng hiện vật được trưng bày "không thấm vào" đâu nếu so với triển lãm "Cuộc sống thời bao cấp" mà Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức cách đây gần mười năm. Nhưng cuộc triển lãm "Bao cấp - xếp hàng về quá khứ” vẫn có sức hút riêng. Đó là việc những bạn trẻ trực tiếp đứng ra tổ chức, điều này cho thấy một bộ phận giới trẻ biết quan tâm đến cuộc sống của những người đi trước. Mặt khác, trải nghiệm xếp hàng trước "cửa hàng mậu dịch", để mọi người hiểu thêm về "văn hóa xếp hàng" của một thời chưa xa lắm. "Ngày nay chúng ta có cuộc sống đầy đủ hơn rất nhiều, nhưng có những thứ vẫn phải học ngày xưa. 30, 40 năm trước, việc xếp hàng nhiều khi rất chật vật, khổ sở, mua được cân gạo, lạng thịt đều khó khăn. Cũng có chuyện chen lấn xô đẩy, tuy nhiên không nhiều. Ngày xưa thiếu thốn mà mỗi người còn nhường nhịn nhau được. Đây là bài học cho mỗi người trong giáo dục lớp trẻ", bác Nguyễn Văn Niên, một khách tham quan triển lãm nói.

Có những người muốn "xóa" ký ức thời bao cấp, khi nó gắn liền với sự thiếu thốn về vật chất. Song phần đông cho rằng, không "thi vị hóa" thời bao cấp, mà rất cần một cái nhìn trở lại để đi lên. Như nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến tổng kết, đó là một thời rất nghèo khó về vật chất mà giàu về tinh thần, con người sống với nhau rất tình cảm.