Hoàn thiện quy hoạch để phát triển nhanh, bền vững

Để triển khai có hiệu quả các nghị quyết mới vào cuộc sống, Thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch vùng, tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững nâng cao đời sống người dân-đó là kiến nghị của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia tại Hội thảo “Bàn giải pháp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Một góc đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Quang-Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền trung-Tây Nguyên góp ý: Trong hai Nghị quyết mới, nhiều cơ chế, chính sách mới đã được ban hành, áp dụng cho thành phố với 44 cơ chế, chính sách đặc thù.

Đây được xem là bệ phóng để thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới. Để xây dựng được Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, thành phố cần có lực lượng dẫn dắt xuất sắc, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Thành phố tích cực rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố gắn với quy hoạch vùng; triển khai các quy hoạch phân khu; nghiên cứu tổ chức bộ máy quản lý đô thị đồng bộ theo vùng.

Thành phố cần phát triển không gian địa lý, mang bản sắc đặc thù riêng biệt, khẳng định vai trò đầu tàu của cả nước và trên nhiều phương diện, vai trò dẫn dắt trong khu vực hướng đến phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Phương Thảo cho biết: Trên cơ sở định hướng, mục tiêu, tầm nhìn được xác định trong Nghị quyết số 31-NQ/TW, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện việc rà soát để điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060.

Bước tiếp theo là thành phố khẩn trương hoàn thiện quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quản lý đô thị, tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững, có bản sắc và không ngừng nâng cao đời sống của người dân.

Từ kinh nghiệm quản lý thực tiễn, bà Phạm Phương Thảo nêu những giải pháp cần được thành phố quan tâm như:

  • Nhanh chóng khởi động lại những công trình “đóng băng” và chuẩn bị khởi công những công trình mới;
  • Đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên;
  • Xây dựng chất lượng nguồn nhân lực;
  • Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị;
  • Đẩy mạnh cải cách hành chính;
  • Tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương;
  • Tăng cường sự lắng nghe, chỉ đạo thực tiễn.

Theo Tiến sĩ Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, để đoàn tàu chạy nhanh, hiệu quả, Thành phố Hồ Chí Minh cần giảm bớt đầu mối công việc, linh hoạt trong thực hiện các giải pháp về chính sách, thể chế.

Thành phố cần tập trung thời gian để rà soát, xây dựng các quy định, quy chế về cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 như: Cách thức huy động vốn, thu hút nguồn lực, đầu tư và triển khai các dự án theo TOD (Phát triển theo hệ thống giao thông công cộng), cơ chế vận hành các nguồn vốn... để triển khai đồng bộ với mô hình chính quyền đô thị thành phố.

“Với cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố từ bài học kinh nghiệm sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, theo tinh thần của Nghị quyết số 31-NQ/TW và lộ trình của quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, thành phố cần chủ động đề xuất: Thử nghiệm mô hình Thị trưởng-Hội đồng thành phố; cách thức tạo ra cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng chế định riêng về cơ chế tuyển dụng, thu hút nhân tài cho mô hình chính quyền đô thị thành phố…” - Tiến sĩ Phan Hải Hồ đưa ra đề xuất.

Trưởng phòng Báo chí-Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hải đề xuất: Cần thiết phải liên kết thông tin, truyền thông vùng trong tổng thể liên kết vùng.

Theo quy hoạch, vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có tổng diện tích lên đến 30.404 km2, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố cùng bảy tỉnh lân cận: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang.

Vùng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp, công nghệ cao chuyên sâu, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao mang tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Đây cũng là trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch rừng cảnh quan tầm quốc gia; là trung tâm thể thao, văn hóa, giáo dục, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của cả nước và trong khu vực.

Ông Nguyễn Minh Hải đánh giá: Cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu đã phát huy được nhiều kết quả tích cực, nhưng để tiếp tục đạt được những kết quả lớn hơn, bền vững hơn thì cần phải thực hiện việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề liên kết về thông tin, truyền thông cần được nghiên cứu một cách toàn diện để có giải pháp phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả truyền thông tốt nhất của cả vùng và cho từng địa phương...