Hoàn thiện khung pháp lý để thu hút vốn FDI

Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn được đánh giá là một trong những địa phương trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo các chuyên gia, thành phố còn nhiều tiềm năng để thu hút dòng vốn FDI chất lượng nếu có sự đột phá trong khung pháp lý về đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Tạo khuôn đúc chính xác tại Nhà máy 1 và 2, Công ty TNHH JuKi Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tạo khuôn đúc chính xác tại Nhà máy 1 và 2, Công ty TNHH JuKi Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 20/6, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút tổng vốn FDI đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI vào thành phố "bật tăng" trong 6 tháng đầu năm cho thấy tình hình kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh có sự khởi sắc trong quý II sau khi giảm sâu ở quý I/2023. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh sự cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng tăng.

Tính từ năm 1988 đến tháng 6/2023, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư từ 117 quốc gia, vùng lãnh thổ với 11.868 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư khoảng 82 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022, tổng vốn FDI vào địa phương này chỉ đạt hơn 4,33 tỷ USD, giảm gần 40% so với năm 2021.

Tình trạng sụt giảm nói trên đến từ nhiều nguyên nhân, một trong số đó có thể nói đến vấn đề về khung khổ pháp lý trong thu hút đầu tư tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chưa tạo được lực hấp dẫn để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, có sức lan tỏa lớn.

Các chuyên gia cho rằng, khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự hoàn thiện. Nhìn từ thực tiễn của thành phố, quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư đang vấp phải một số bất cập sau: Thực tiễn phát sinh nhưng không có quy định điều chỉnh; có quy định nhưng lại khác nhau giữa luật này và luật kia (chồng chéo, mâu thuẫn quy định pháp luật); có quy định nhưng cách hiểu khác nhau; có quy định nhưng chưa tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư (chưa đạt được hiệu quả áp dụng trên thực tế)... Từ thực trạng trên, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro pháp lý khi thực hiện dự án đầu tư.

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), tỷ lệ tranh chấp có yếu tố FDI trong năm 2022 chiếm khoảng 40% số tranh chấp được thụ lý ở VIAC. Cụ thể là các tranh chấp phát sinh từ giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp (M&A); tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước...

Các tranh chấp nói trên có thể phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với nhau. Ngoài ra, tranh chấp trong hoạt động đầu tư còn có thể phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.

Luật sư Châu Đình Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ: Vướng mắc quy định pháp luật gây chậm trễ trong triển khai dự án, ảnh hưởng chất lượng môi trường đầu tư, đồng thời, có thể dẫn đến tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, hoặc dẫn đến tranh chấp đầu tư quốc tế.

Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đánh dấu bước đệm giúp chúng ta mở rộng thị trường, có thêm nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra cho doanh nghiệp thách thức về những rủi ro, tranh chấp mới có thể phát sinh. Để phòng ngừa và xử lý các tranh chấp này một cách hiệu quả, việc cập nhật thông tin, hướng dẫn cho nhà đầu tư về các quy định mới, cách thức áp dụng quy định pháp luật trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đang xây dựng đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố cần có một chính sách mang tính chiến lược, lâu dài để các nhà đầu tư cũ yên tâm mở rộng quy mô, đồng thời tạo được lực hút cho các nhà đầu tư mới. Và một trong những mục tiêu trọng tâm cần quan tâm thời gian tới là đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại thành phố, tạo một môi trường pháp lý lành mạnh và trong sạch để nhà đầu tư FDI có thể yên tâm ổn định đầu tư và kinh doanh lâu dài.

Mục tiêu thu hút đầu tư của thành phố thời gian tới là nâng cao tỷ lệ vốn đăng ký FDI chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025 thu hút hơn 50 dự án công nghệ cao (trong số này có ít nhất một tập đoàn công nghệ cao có tên tuổi lớn trên thế giới). Thành phố lắng nghe những phản ánh về bất cập, khó khăn của doanh nghiệp để thành phố tháo gỡ kịp thời.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8 tới với nhiều nội dung tập trung ưu tiên tạo điều kiện cho nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại thành phố. Thành phố sẽ thiết lập kênh thông tin chia sẻ, minh bạch về các dự án để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư.