Điều này tạo ra kỳ vọng hoạt động văn hóa, sáng tạo sẽ có sự bứt phá mới khi Luật Thủ đô năm 2024 được áp dụng, với nhiều ưu đãi trong đầu tư vào công nghiệp văn hóa.
Nằm ở số 1A phố Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), không gian sáng tạo Cộng Xưởng mới đi vào hoạt động được hơn một tháng nay. Điểm khác biệt của Cộng Xưởng so với nhiều không gian sáng tạo khác là tính liên ngành và việc cung cấp hỗ trợ cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo trẻ.
Cộng Xưởng cung cấp cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo một không gian sáng tạo tự do, cung cấp nguyên vật liệu có sẵn, cùng với đó là tư vấn của những người có kinh nghiệm. Thậm chí, các bạn trẻ còn có thể được hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định. Cộng Xưởng kết nối nhiều nghệ sĩ, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, với nhiều thử nghiệm mới mẻ thông qua các workshop, tọa đàm…
Đại diện của Cộng Xưởng Thắng Đinh cho biết: “Mong muốn của chúng tôi là cung cấp cho các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo một không gian để họ làm việc. Khi các nhà sáng tạo thuộc các ngành khác nhau, nhưng ngồi lại với nhau, đưa các góc nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề, sản phẩm đáp ứng cho xã hội thì chúng ta mới tìm ra được một thị trường”.
Cộng Xưởng chỉ là một trong rất nhiều không gian sáng tạo ra đời trong thời gian vừa qua tại thành phố. Hà Nội vốn tập trung nhiều không gian sáng tạo nhất cả nước. Tuy nhiên, hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các không gian sáng tạo gặp khó khăn. Chủ sở hữu các không gian sáng tạo hầu hết là những nhà đầu tư nhỏ, xuất phát điểm của họ thường là những nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư…, hay những người đam mê văn hóa.
Khó khăn do dịch bệnh khiến một số không gian sáng tạo phải dừng hoạt động. Nhưng sau khi dịch bệnh kết thúc, những không gian sáng tạo quen thuộc hồi sinh và nhiều không gian sáng tạo mới liên tục ra đời. Trước đây, các không gian sáng tạo chủ yếu thường gắn với những loại hình nghệ thuật, sáng tạo mới thì bây giờ, ngày càng có nhiều không gian sáng tạo khai thác giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa.
Am Cà kê (đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) là một không gian sáng tạo mới đi vào hoạt động vài tháng nay. Cũng khai thác văn hóa truyền thống, nhưng Am Cà kê tạo khác biệt nhờ chú trọng tái hiện không gian sinh hoạt truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, từ đó, đưa những vị khách đến những trải nghiệm văn hóa khác nhau.
Điểm nhấn trong đó là câu chuyện về những chiếc guốc mộc, nơi khách có thể tự tay làm guốc mộc làm quà đem về hay tham gia vào những trò chơi dân gian. Một không gian sáng tạo liên quan văn hóa truyền thống mới ra đời nhưng hoạt động sôi nổi không kém là Phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông). Phường Bách Nghệ tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều nghề truyền thống theo từng chuyên đề, trong đó tập trung vào việc trải nghiệm thực hiện sản phẩm để mọi người có thể tìm thấy sự kết nối với văn hóa Việt Nam qua từng sản phẩm thủ công.
Dù mới hoạt động một thời gian, nhưng Ngô Quý Đức, người sáng lập Phường Bách Nghệ cho biết, cơ sở đang xúc tiến việc tìm “nhà mới”, bởi một số hoạt động trong dịp Tết Trung thu của không gian sáng tạo này rơi vào tình trạng quá tải.
Những không gian sáng tạo mới còn phải kể đến Re:born Creative (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình)… hay một cái tên rất lạ là Ở đây nhà tôi (phố Ngọc Thụy, quận Long Biên). Các loại hình nghệ thuật, sáng tạo cũng ngày càng đa dạng, giúp công chúng có nhiều lựa chọn.
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, hiện Hà Nội có khoảng 200 không gian sáng tạo, hoạt động dưới nhiều hình thức, từ những tổ hợp như Complex 01, cho tới hình thức không gian làm việc chung như Toong, 282 Design… hay các nhà hàng, quán cà-phê… Những không gian sáng tạo tư nhân đã kéo theo sự chuyển dịch của những thiết chế văn hóa công.
Điển hình như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội hay một loạt không gian văn hóa trong phố cổ… Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành nơi tổ chức giáo dục di sản, hoạt động văn hóa, tương tác, giao lưu… khiến không gian này ngày một “trẻ” hơn. Hàng chục di tích, bảo tàng khác cũng đang chuyển mình cùng hoạt động văn hóa-sáng tạo.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, mặc dù đã phát triển khá mạnh, nhưng các không gian sáng tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Các không gian sáng tạo còn thiếu mặt bằng, phần lớn các không gian là của tư nhân nên tính ổn định không cao. Mặt khác, trong khi nhiều thiết chế văn hóa công chưa sử dụng hết công suất thì các không gian sáng tạo tư lại thiếu mặt bằng.
Để phát huy tiềm năng, khai thác hiệu quả các không gian sáng tạo, từ cuối năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai Bộ tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội. Trên cơ sở đó, thành phố dự kiến thành lập Mạng lưới các không gian sáng tạo. Đây sẽ là cơ hội để các không gian sáng tạo giao lưu, tương tác, tìm kiếm cơ hội phát triển cũng như thành phố có chính sách tác động đến các không gian sáng tạo một cách hợp lý và hiệu quả hơn.