Hiện nay, phần lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Đại diện Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Tân Phương Đông (huyện Thường Tín) có công suất sản xuất khoảng 75 nghìn tấn/năm cho biết, dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên liệu thức ăn, nhất là đạm động vật nhập khẩu từ châu Âu bị hạn chế, giá bán tăng, thời gian nhập khẩu kéo dài, trong khi nguồn nguyên liệu dự trữ không có, do thiếu mặt bằng, nguồn vốn, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Công suất hoạt động của nhà máy chỉ còn từ 40 đến 50% và nguồn nguyên liệu chỉ đủ sản xuất trong khoảng hai tháng tới. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hay hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng chưa đến được với doanh nghiệp.
Khó khăn không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần CP Việt Nam Vũ Anh Tuấn, đơn vị sản xuất, chăn nuôi khép kín quy mô lớn từ con giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối sản phẩm cho biết, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Hà Nội hiện chỉ hoạt động khoảng 80% công suất thiết kế, tương đương gần 50 nghìn tấn/tháng. Thức ăn chăn nuôi là khâu quan trọng, nếu trục trặc sẽ ảnh hưởng không chỉ đến toàn bộ chuỗi sản xuất mà cả việc cung ứng con giống, các sản phẩm thịt ra thị trường. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng nêu ra các khó khăn khác khi dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao do chưa có vắc-xin phòng bệnh khiến nhiều hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn hoặc chuyển sang chăn nuôi gia cầm, nhưng giá xuống thấp, khó tiêu thụ.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đã gây ảnh hưởng đến 33 nghìn cơ sở chăn nuôi, buộc phải tiêu hủy gần 545 nghìn con, tương đương hơn 37 nghìn tấn lợn hơi.
Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn ra, trong đó đầu tháng 4-2020 vừa xuất hiện ổ dịch tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa. Tổng số lợn tiêu hủy gần sáu tấn lợn hơi. Nhìn chung, tình hình sản xuất, chăn nuôi từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Đàn lợn hiện có khoảng 1,1 triệu con, tương đương 68% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi còn 31 đơn vị, tám cơ sở đã buộc phải dừng hoạt động hoặc đóng cửa. Công suất của các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm sút từ 30 đến 70% so với giai đoạn 2017- 2018.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ nhận định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ rủi ro cao, nhất là đối với chăn nuôi quy mô nhỏ ở các hộ gia đình. Nguồn lợn giống rất khan hiếm và đắt đỏ, khó mua. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 80% đối với chăn nuôi trâu, bò, gần 70% đối với lợn, gia cầm và năng suất chăn nuôi thấp. Để phát triển đàn lợn, sở đề nghị thành phố hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn nái mua lợn giống bố mẹ và thụ tinh nhân tạo; có cơ chế, chính sách hỗ trợ con giống cho các cơ sở chăn nuôi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu giống, nguyên liệu sản xuất.
Chiều 21-4, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội với đại diện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Về nguồn vốn, thành phố làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị chuyển từ cho vay có tài sản thế chấp sang cho vay thông qua các dự án sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, thành phố sẽ xem xét, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi lợn nái, lợn giống.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, chăn nuôi là thế mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố. Mặc dù dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, nhưng đây là lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh chóng, giúp sản xuất nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong năm nay. Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải đối mặt trong thời gian qua, nhất là ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19; đồng thời yêu cầu các địa phương có doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm các điều kiện thiết yếu như điện, nước để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi mở rộng sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; các cơ sở chăn nuôi tái đàn, phát triển đàn vật nuôi. Thành phố cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ cảng đến nhà máy, từ nhà máy đến các đại lý, cơ sở chăn nuôi. Trong những ngày tới, thành phố sẽ làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện công tác tái đàn, phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn.