Mô hình cà-phê cảnh quan tại Đăk Krong được triển khai thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong, có sự đồng hành tham gia của 121 hộ người Kinh và 64 hộ người Ba Na canh tác trên diện tích 320 ha theo hướng hữu cơ. Mô hình không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng cho cây cà-phê mà còn mở ra hướng mới trong phát triển du lịch nông thôn, bảo tồn bản sắc văn hóa của người dân địa phương.
320 ha cà-phê của các hộ dân nơi đây được thiết kế theo mô hình cảnh quan bền vững để cà-phê có điều kiện phát triển tốt nhất. Cà-phê được trồng xen canh với các loại cây ăn quả, cây hồ tiêu, mắc-ca để che bóng, tạo hệ sinh thái đa dạng. Thảm cỏ, cây bụi được giữ lại để giảm bớt sự thoát hơi nước trong vườn, tạo điều kiện thuận lợi để các sinh vật có ích phát triển và ức chế sinh vật gây hại, góp phần hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu. Các quy trình canh tác hữu cơ cũng được nông dân tuân thủ nghiêm ngặt và chỉ thu hoạch quả chín đạt từ 90-95%.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Krong Hà Văn Kiên cho biết, việc xã Đăk Krong được chọn làm mô hình phát triển cà-phê cảnh quan bởi nơi đây tập trung được diện tích cà-phê lớn nằm trong vùng cảnh quan. Ngoài ra, địa phương còn có sông, núi, có lòng hồ thủy điện, và đặc biệt nằm trong khu vực làng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Bà Yel, một phụ nữ Ba Na ở làng Đăk Mông đang tỉa cành cho vườn cà-phê vừa thu hoạch xong của gia đình cho biết: Từ xa xưa, người Ba Na nơi đây chỉ biết phát nương làm rẫy, cuộc sống bấp bênh. Sau này làm quen với việc trồng cà-phê, cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào cây cà-phê. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã biết cách trồng xen các loại cây ăn quả để tăng thêm thu nhập.
Thực hiện canh tác cà-phê theo hướng hữu cơ, người dân xã Đăk Krong được hưởng lợi vì dự án VnSAT đầu tư xây dựng con đường chính dài 5 km, rộng 3m với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, đã phục vụ thiết thực cho việc sản xuất khoảng 1.000 ha cà-phê của người dân trong khu vực. “Từ khi có con đường này, vườn cà-phê của gia đình khi thu hoạch xong rất thuận tiện cho việc chở về nhà, rồi chở phân bón ra vườn cũng dễ dàng chứ không khó đi như trước kia”, bà Yel chia sẻ.
Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong cho biết: Các hộ dân tham gia mô hình cà-phê cảnh quan có đặc điểm chung là vườn cà-phê của họ vượt trội hơn hẳn so với những khu vực khác. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng và nguồn nước, cùng với việc người dân được đào tạo bài bản về kỹ thuật canh tác. Nhờ vậy, năng suất thu hoạch năm nay so với năm 2023 đã đạt kết quả khả quan, với sản lượng tăng hơn 20%.
Đồng chí Hà Văn Kiên khẳng định, việc triển khai mô hình cà-phê cảnh quan đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Với người dân, nhất là người dân tộc Ba Na vốn đã quen canh tác phương pháp thủ công, lạc hậu thì giờ đây, thông qua dự án, họ được tiếp cận với phương thức canh tác tiên tiến, cho ra sản phẩm cà-phê bền vững và bảo đảm chất lượng. Dự án góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn thông qua các công trình như đường giao thông, lưới điện, quy hoạch vườn cây...