Lan tỏa văn hóa truyền thống từ trường học

Trường trung học cơ sở Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có hơn 90% số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người Cơ Ho. Hơn 2 năm qua, nhà trường khuyến khích học sinh, giáo viên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến trường, tổ chức mở lớp dạy chữ viết Cơ Ho, truyền dạy cồng chiêng, nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc từ trường học.
0:00 / 0:00
0:00
Trên sân Trường trung học cơ sở Tân Thượng trong giờ ngoại khóa.
Trên sân Trường trung học cơ sở Tân Thượng trong giờ ngoại khóa.

Ngày đầu tuần, Ka Nguyễn Thị Bích Hữu, học sinh lớp 7A3, chọn bộ thổ cẩm đẹp nhất để mặc đến trường. “Được mặc trang phục truyền thống đi học, em rất vui. Trang phục thổ cẩm ngày nay đã được cách điệu rất đẹp và phù hợp với từng lứa tuổi”, Bích Hữu chia sẻ. Trên sân trường giờ ra chơi, các nữ sinh đều duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, nam sinh mặc ghi-lê thổ cẩm kết hợp sơ mi trắng thanh lịch.

Trường trung học cơ sở Tân Thượng có tổng số gần 377 học sinh, trong đó 343 học sinh dân tộc thiểu số, như Mạ, Tày, Nùng... và đông nhất là con em dân tộc Cơ Họ. Theo hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng, nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, từ năm 2022, trường phát động và quy định học sinh, giáo viên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến trường vào ngày thứ hai hằng tuần, các ngày lễ của trường và của đất nước.

Cùng với hoạt động nêu trên, trường đã phối hợp mở hai lớp truyền dạy đánh cồng chiêng và hai lớp dạy chữ viết Cơ Ho cho học sinh. Đây là những hoạt động bên lề, không có trong chương trình giảng dạy tiêu chuẩn, nhưng học sinh và giáo viên đều hào hứng tham gia. “Do trường có đông học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nên cùng với hoạt động chuyên môn, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc được trường xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tuyên truyền, khơi gợi niềm tự hào cho thế hệ trẻ với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, thầy Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Xuất phát từ thực trạng hầu hết học sinh người Cơ Ho có thể nói sành sỏi tiếng mẹ đẻ, nhưng ít biết viết chữ của dân tộc mình, từ năm học 2022-2023, trường phối hợp mở lớp dạy chữ viết Cơ Ho cho học sinh. Cô Ka Duýs, giáo viên ngữ văn của trường, kiêm đứng lớp dạy chữ Cơ Ho cho học sinh chia sẻ: “Phần lớn học sinh chỉ giao tiếp nghe, nói thông thường chứ chưa thành thạo về chữ viết. Tôi rất vui khi trường mở lớp dạy chữ dân tộc mình. Từ khi kiêm hoạt động dạy chữ Cơ Ho, tôi đã nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp để truyền đạt cho các em tốt hơn”.

Cùng với trang phục và chữ viết, mỗi tuần, nhịp xoang, tiếng cồng, tiếng chiêng lại ngân vang trong khuôn viên Trường trung học cơ sở Tân Thượng. Thời gian qua, trường đã mời nghệ nhân tại địa phương đến truyền dạy cồng chiêng cho học sinh. Dù còn khó khăn khi những bộ cồng chiêng ngày càng khan hiếm, nhưng nhà trường mượn được trong cộng đồng để tổ chức truyền dạy cho học sinh. “Phụ huynh, học sinh đã hiểu được ý nghĩa của việc tham gia lớp học chữ viết, học đánh cồng chiêng. Hiện không khí các lớp học đã rất sôi nổi, học sinh hào hứng tham gia”, hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Hiện nhiều học sinh của trường đã đánh được những bài chiêng cơ bản. Câu lạc bộ cồng chiêng của Trường trung học cơ sở Tân Thượng đã tự tin tham gia biểu diễn trong các sự kiện ở địa phương. Đa số học sinh người Cơ Ho cũng đã khá thành thạo chữ viết của dân tộc mình và trên sân trường ngày thứ hai hằng tuần là sắc màu văn hóa các dân tộc anh em. “Đây là những hoạt động rất ý nghĩa, giúp học sinh hiểu được giá trị và tự hào

với văn hóa dân tộc mình. Mô hình này là điểm sáng để địa phương lan tỏa đến các trường học trên địa bàn”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Di Linh Vũ Đức Nhuần cho biết ■