Hiện thực hóa việc xây dựng Thành phố sáng tạo

Sau gần bốn năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Trình diễn nghệ thuật tại không gian sáng tạo Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).
Trình diễn nghệ thuật tại không gian sáng tạo Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).

Thành phố đã hình thành cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa-sáng tạo, thêm các không gian, tạo sân chơi cho các hoạt động sáng tạo… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực thành phố còn phải nỗ lực để bảo đảm tiến độ thực hiện các cam kết.

Việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo cho thấy Hà Nội “xoay trục” định hướng phát triển, đặt trọng tâm khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa, sáng tạo để xây dựng thành phố phát triển bền vững. Định hướng này tiếp tục được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nỗ lực thực hiện các sáng kiến

Trong hồ sơ ứng cử trở thành Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã đề cử sáu sáng kiến, gồm: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội; Chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội; Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á; Mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ. Trong bốn năm qua, Hà Nội đã nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo, trở thành nguồn lực phát triển. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Đỗ Đình Hồng cho biết: “Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo.

Tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…, đồng thời phối hợp các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO”.

Những hoạt động nổi bật trong thực hiện các cam kết như Lễ hội thiết kế sáng tạo được tổ chức hằng năm gồm hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày, tọa đàm, giao lưu... có tác dụng khơi nguồn, dẫn dắt tư duy sáng tạo, tạo sân chơi cho những tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Thành phố cũng tổ chức một loạt cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo như: “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội”...

Nhiều tuyến phố đi bộ ra đời: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trần Nhân Tông -Công viên Thống Nhất. Thành phố cũng có thêm các không gian văn hóa nghệ thuật như: Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, Không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân...

Cùng với đó, Hà Nội cũng có nhiều chương trình, hành động hỗ trợ phát triển các không gian sáng tạo như: Tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm tham vấn sáng kiến, kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và phát triển các không gian văn hóa sáng tạo; xây dựng các không gian sáng tạo điểm đến trên cơ sở các thiết chế văn hóa hay các tuyến phố đi bộ, không gian văn hóa công cộng...

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart nhận định: “Chúng tôi rất ấn tượng với Lễ hội Thiết kế sáng tạo được tổ chức cuối năm 2022, với chuỗi hoạt động dày đặc và đa dạng, trải khắp thành phố cùng sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, nhà thiết kế, các nhà trường, cộng đồng, doanh nghiệp sáng tạo. Điều này cho thấy thành phố đang đi đúng hướng trong tận dụng lợi thế của Mạng lưới để hiện thực hóa tầm nhìn Thành phố sáng tạo, tạo điều kiện cho người dân đóng góp và hưởng thụ sản phẩm sáng tạo”.

Còn nhiều phần việc phải triển khai

Dự kiến, tháng 11/2023, Hà Nội cần hoàn thành Báo cáo giám sát tư cách thành viên định kỳ lần thứ nhất trình UNESCO. Báo cáo sẽ tập trung những nội dung thành phố triển khai theo cam kết với UNESCO. Dù đã có nhiều hoạt động sôi nổi, nhưng vẫn còn một số nội dung thành phố triển khai còn chậm. Thí dụ như việc kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng Chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội; triển khai Mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ...

Từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ kiện toàn Ban điều phối, Ban chỉ đạo; xây dựng Đề án Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm Công nghiệp văn hóa Hà Nội; tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á; tham gia các hội nghị, diễn đàn Thành phố sáng tạo toàn cầu và khu vực... Việc xây dựng Thành phố sáng tạo cũng còn nhiều khó khăn như sản phẩm sáng tạo của Hà Nội phần lớn còn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng, cách thể hiện bản sắc văn hóa...

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, Hà Nội đã có những bước đi tiên phong, mở đường cho nhiều thành phố khác xây dựng thương hiệu sáng tạo. Việc triển khai trong thời gian qua cũng rất phong phú, có chất lượng tốt và dường như không bị trùng lặp. Tới đây cần tiếp tục mở rộng, lan tỏa văn hóa sáng tạo tới các cơ sở, địa phương ngoại thành, kết nối với các trường đại học, hướng tới các đối tượng thanh, thiếu niên nhiều hơn...

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, Nguyễn Văn Hoạt đề xuất, để thực hiện các cam kết với UNESCO, cần cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo.