Hậu Giang thúc đẩy kinh tế tập thể

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ được triển khai đã giúp khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Hậu Giang có sự chuyển biến tích cực, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác xã Dịch vụ-Nông nghiệp Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, được hỗ trợ xây nhà kho phục vụ sản xuất và chế biến gạo.
Hợp tác xã Dịch vụ-Nông nghiệp Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, được hỗ trợ xây nhà kho phục vụ sản xuất và chế biến gạo.

Thông qua chính sách hỗ trợ từ các chương trình, đề án đã mở hướng, tiếp sức cho kinh tế tập thể phát triển, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, nhiều cá nhân và tổ chức tham gia, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Đòn bẩy từ chính sách hỗ trợ

Ðề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 ra đời với nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) ở địa phương.

Câu chuyện chọn con cá thát lát để sản xuất, kinh doanh của HTX Kỳ Như ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp là một minh chứng. Ban đầu, HTX Kỳ Như hình thành vùng nuôi cá thát lát, bình quân mỗi tháng cung ứng cho thị trường từ 30-35 tấn cá nguyên liệu phục vụ chế biến. Cũng từ nguyên liệu cá thát lát, HTX đã cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP, như: Cá thát lát một nắng; cá thát lát rút xương; chả cá; bánh phồng cá thát lát… Cùng với việc mở rộng sơ chế, chế biến các sản phẩm từ thủy sản, thực vật (rau, củ, quả), đến nay, HTX Kỳ Như đã có 11 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn ba sao và bốn sao.

Năm 2022, HTX Kỳ Như đạt doanh thu hơn 12,2 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 750 triệu đồng; năm 2023, doanh thu đạt hơn 14 tỷ đồng, lợi nhuận gần 840 triệu đồng. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 65 lao động với mức lương từ sáu đến chín triệu đồng/tháng.

Giám đốc HTX Kỳ Như Nguyễn Kim Thùy cho biết, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho HTX, nhất là về vốn, thủ tục làm sản phẩm OCOP cũng như hỗ trợ xúc tiến thương mại. Việc hỗ trợ vốn vay đối ứng để mua máy sấy năng lượng mặt trời trị giá 540 triệu đồng đã giúp HTX chủ động thời gian, nhất là vào mùa mưa, giảm 50% chi phí thuê nhân công. Còn việc hỗ trợ mua máy cấp đông trị giá gần một tỷ đồng giúp HTX đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Hiện, HTX đang xây dựng nhà xưởng, kho, trụ sở làm việc cũng từ nguồn vốn hỗ trợ 100% của tỉnh, khoảng 11 tỷ đồng.

HTX Ngũ Thường Mekong ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp được hỗ trợ vốn đối ứng đầu tư con giống, tiếp sức kịp thời để thực hiện thành công mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Với đầu vào là rơm rạ sau thu hoạch lúa được sử dụng để trồng nấm; sau khi thu hoạch nấm, bã rơm được ủ để làm thức ăn cho trùn quế, trồng rau sạch và trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò.

Trùn quế sẽ cho ra sản phẩm phân trùn quế và cũng được dùng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản. Chất thải từ chăn nuôi bò, gia cầm và rơm được dùng làm thức ăn cho trùn quế. Nước thải từ chăn nuôi bò, từ ao cá được xử lý triệt để tại hồ chứa và được dẫn đến khu vực trồng cỏ voi để tự thẩm thấu trong đất.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn có thể xem có tính chất công nghiệp trong nông nghiệp vì canh tác quanh năm; có thể thực hiện được với diện tích đất nhỏ. Hiện, các sản phẩm của mô hình có đầu ra ổn định, thu nhập từ mô hình có thể đạt từ 100-120 triệu đồng/1.000 m2/năm…

Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc HTX Ngũ Thường Mekong

Theo Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho 13 HTX và hai Liên hiệp HTX với tổng vốn đầu tư gần 144 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của HTX hơn 11 tỷ đồng. Tỉnh đã giải ngân hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng từ nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ phát triển HTX” cho 50 HTX để đầu tư máy móc, trang thiết bị và cây, con giống, thức ăn; hỗ trợ 33 lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng với chuyên môn phù hợp về làm việc có thời hạn tại 13 HTX và ba Liên hiệp HTX với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng...

Ðồng thời, tỉnh còn tổ chức cho 45 HTX tham gia xúc tiến thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh: Khánh Hòa, Kiên Giang, An Giang, Ðồng Nai... tạo điều kiện cho HTX ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm…

Hậu Giang thúc đẩy kinh tế tập thể ảnh 1

Sản phẩm trùn quế trong mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hồ Văn Phú cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 600 tổ hợp tác và HTX; trong đó có 271 HTX và bốn liên hiệp HTX với hơn 8.500 thành viên và gần 13.000 lao động, tổng vốn điều lệ hơn 517 tỷ đồng. Ở bình diện chung, kinh tế tập thể của tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều; năng lực nội tại còn yếu.

Cùng với đó, trình độ chuyên môn của người lao động còn thấp, đội ngũ cán bộ của nhiều HTX chưa được đào tạo chuyên sâu, năng lực quản lý điều hành còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhiệm vụ tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Khó khăn nhất là nhiều HTX thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh và khả năng tiếp cận vốn tín dụng kinh tế tập thể chưa thật thuận lợi. Công tác quản trị của nhiều HTX còn hạn chế; hoạt động xúc tiến công nghệ, thương mại yếu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, từ đó, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn thấp…

Xác định mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX nông nghiệp trở thành thành phần kinh tế quan trọng, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Ðảng về hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX.

Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh

Tỉnh sẽ tập trung rà soát, đánh giá, phân loại HTX hoạt động có hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể cho từng HTX và mạnh dạn giải thể những HTX yếu kém. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Trong đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX.

Ðồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; từng bước mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa của HTX; phát huy tối đa các hình thức liên doanh, liên kết của HTX đang hoạt động hiệu quả; nhanh chóng khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình liên doanh, liên kết giữa các HTX và HTX với doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” và đề ra các giải pháp kịp thời về dòng vốn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, tỉnh chú trọng nguồn lực vốn ưu tiên cho ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ là các chủ thể tham gia kinh tế tập thể.

Liên minh HTX tỉnh cần củng cố và tăng cường hoạt động để phát huy tốt hơn vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với các thành phần kinh tế tập thể...