Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại với doanh nghiệp

NDO - Chiều 25/6, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tổ chức buổi tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về tình hình hoạt động, những khó khăn vướng mắc cũng như hiến kế, đề xuất với lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, nhằm kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp và phát triển tỉnh nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi đối thoại.
Quang cảnh buổi đối thoại.

Buổi tiếp xúc đã ghi nhận gần 20 lượt ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp. Nội dung ý kiến đóng góp liên quan công tác quy hoạch, sử dụng đất, vùng nguyên liệu, hạ tầng kết nối...; chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ nguồn lao động cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp cận tín dụng; hỗ trợ sản xuất, lãi suất, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; chất lượng nguồn nước sinh hoạt; nguồn điện phục vụ sản xuất; an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy; an ninh trật tự…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiếp thu, xử lý theo thẩm quyền, sớm tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc tồn tại cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cũng thông tin, Hậu Giang được Chính phủ phân bổ quỹ đất công nghiệp đến năm 2030 lớn thứ hai trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (với 2.233 ha), trong đó diện tích còn được tiếp tục sử dụng trong thời gian tới là 1.750 ha.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại với doanh nghiệp ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh phát biểu tại buổi đối thoại.

Cùng với đó, ngày 22/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hậu Giang là tỉnh thứ 2/63 của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện). Do đó, Hậu Giang sẽ tập trung nguồn lực phát huy lợi thế này để công nghiệp thực sự trở thành trụ cột phát triển mạnh mẽ hơn nữa của nền kinh tế.

Hậu Giang cam kết sẵn sàng chào đón và đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư. Tỉnh cam kết đồng hành với phương châm “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. Nhất quán nhận thức và hành động “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành quả của tỉnh nhà”.

Đến nay, Hậu Giang có gần 4.500 doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế, tỷ trọng khối doanh nghiệp đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 77%. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 18%. Kinh tế cá thể phát triển mạnh, toàn tỉnh có 53.654 hộ kinh doanh, nguồn vốn hơn 7.000 tỷ đồng. Nhiều thương hiệu hàng hóa đã và đang khẳng định uy tín, vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế…