Hiệu quả tín dụng chính sách ở Hậu Giang

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội gần 10 năm qua, thông qua các chương trình tín dụng, nguồn vốn giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đã giúp 317.903 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng gấc của ông Đoàn Thanh Tú (ngoài cùng bên phải) cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng gấc của ông Đoàn Thanh Tú (ngoài cùng bên phải) cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng tín dụng chính sách để thực hiện mô hình làm ăn có hiệu quả. Hơn 5 năm trước, vợ chồng ông phải đi làm thuê, để nuôi 2 đứa con ăn học. Nhưng từ khi được vay vốn ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, với số tiền 50 triệu đồng để nuôi bò Pháp, với sự chịu khó, từng bước nhân rộng đàn bò, đã giúp gia đình có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Ông Phương chia sẻ: “Giờ gia đình tôi đã thoát nghèo. Nhờ có chính sách giúp đỡ, cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương và Tổ tiết kiệm vay vốn, gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay”.

Còn ông Đoàn Thanh Tú ở khu vực 6, phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy được vay từ chương trình giải quyết việc làm 100 triệu đồng để đầu tư trồng gấc trên diện tích 8.000 m2. Hiện nay, gấc phát triển tốt và cho thu hoạch, thu khoảng 150 triệu đồng/năm. Theo ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A), tín dụng chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hữu ích giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn xã thực hiện 10 chương trình cho vay, với dư nợ gần 60 tỷ đồng; góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Gần 10 năm qua, thông qua các chương trình tín dụng, nguồn vốn giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đã giúp cho 317.903 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho gần 8.200 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ; góp phần thu hút, tạo việc làm cho 32.260 lượt lao động; hơn 1.500 lượt lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng mới và cải tạo gần 201.520 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ vốn vay cho gần 1.950 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn ngân sách tỉnh Hậu Giang ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 354 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn lên hơn 369 tỷ đồng. Để bảo đảm nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang được Ngân hàng Chính sách xã hội (Trung ương) cân đối chuyển 3.166 tỷ đồng để thực hiện cho vay. Theo ông Bùi Văn Thuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý là những thách thức không nhỏ.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho biết, 10 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; làm chuyển biến về phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hàng hóa; nâng cao chất lượng môi trường sống, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng. Các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 8,4% (đầu năm 2015) xuống còn 3,29% (cuối năm 2023).

Các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 266 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó, có 92 sản phẩm OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao, với 121 chủ thể đăng ký tham gia.