Trong bối cảnh nước sạch ngày càng khan hiếm và yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường, việc tái sử dụng nước thải sau xử lý không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là bước đi tất yếu để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và tiến gần hơn tới mục tiêu Net Zero.
Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành Môi trường-Năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhận định: “Nước sạch là nguồn tài nguyên khan hiếm, trong khi nước thải sau xử lý có thể trở thành nguồn bổ sung quan trọng nếu được ứng dụng công nghệ phù hợp. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là chiến lược phát triển bền vững”.
Tái sử dụng nước thải đang được nhiều quốc gia quan tâm và triển khai nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm nước và bảo vệ môi trường. Thí dụ, Nhật Bản đã ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về tái sử dụng nước thải với các thông số ô nhiễm cần kiểm soát, áp dụng cho các mục đích như xả rửa vệ sinh, phun tưới và tạo cảnh quan; Singapore sử dụng nước thải sau xử lý cho mục tiêu làm mát thành phố qua hệ thống cống ngầm, một phần khác được xả vào các hồ chứa và tái sử dụng gián tiếp, cấp nước cho các mục đích sử dụng khác…
Thị trường tái sử dụng nước toàn cầu đã tăng từ 12,2 tỷ USD năm 2016 lên 22,3 tỷ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng 13,1%. Tái sử dụng nước từ các ngành nông nghiệp, đô thị và công nghiệp đạt 14,9 tỷ USD vào năm 2021. Nước uống tái sử dụng trực tiếp và gián tiếp đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021.

Rút ngắn con đường đến Net Zero
Theo các nhà khoa học, hiện đã có các công nghệ xử lý, tái sử dụng nước thải như công nghệ xử lý tiên tiến dựa trên các chất ô nhiễm, công nghệ lọc màng và công nghệ oxy hóa tiên tiến... Các công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và có thể điều chỉnh linh hoạt theo đặc thù ô nhiễm tại từng ngành công nghiệp.
Tại Việt Nam, một số viện nghiên cứu, hay doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ xử lý nước để tái sử dụng. Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam đã đề xuất quy trình thu hồi nước thải hiệu quả cho nhà máy tinh bột, giấy, dệt nhuộm… Đặc biệt, nước sau xử lý có thể tái sử dụng cho các mục đích không yêu cầu chất lượng cao nhưng là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu thụ nước như làm mát thiết bị, tưới cây, rửa sàn nhà máy...
Việc ứng dụng công nghệ tái sử dụng mức độ sơ cấp, trung cấp hay cao cấp tùy thuộc vào nhu cầu, thí dụ dùng công nghệ trung cấp cho mục đích sản xuất của doanh nghiệp hay cao cấp cho nước uống. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tiết kiệm chi phí cấp nước và bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp.
Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu một doanh nghiệp sử dụng trung bình khoảng 1.000m³ nước/ngày đêm sẽ phải chi trả khoảng 4,4 tỷ đồng mỗi năm cho chi phí cấp nước; chưa kể, các khoản chi phí liên quan đến xả thải, bao gồm thủ tục cấp phép và phí môi trường cũng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nếu doanh nghiệp áp dụng giải pháp tái sử dụng nước sau xử lý, đồng nghĩa với việc giảm hoặc không xả thải, chắc chắn sẽ tiết kiệm đáng kể cả chi phí đầu vào lẫn chi phí đầu ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả vận hành.
Nước sạch là nguồn tài nguyên khan hiếm, trong khi nước thải sau xử lý có thể trở thành nguồn bổ sung quan trọng nếu được ứng dụng công nghệ phù hợp. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là chiến lược phát triển bền vững.
Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành Môi trường-Năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Hiện, việc tái sử dụng nước chưa bắt buộc và mới triển khai nhỏ lẻ ở một vài doanh nghiệp. Việc triển khai tái sử dụng nước thải tại Việt Nam được nhìn nhận có nhiều thách thức. Đó là còn thiếu tiêu chí cụ thể cho chất lượng nước tái sử dụng, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý... Ngoài ra, đối với doanh nghiệp, khó mở rộng và bổ sung công nghệ phù hợp, cũng như cần diện tích nhất định để trữ nước thải và chi phí thử nghiệm lớn. Đặc biệt, những rủi ro môi trường như nước thu hồi vẫn có thể chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, vượt ngưỡng cho phép nếu không được giám sát nghiêm ngặt, cũng là một thách thức.
Mặc dù vậy, hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các nghị định liên quan đã nhấn mạnh vai trò của tái sử dụng nước. Đặc biệt, Nghị quyết của Quốc hội về bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2030 đã xác định “nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng nước” là một trong những giải pháp cốt lõi nhằm bảo vệ môi trường, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Hành trình đi tới mục tiêu Net Zero không thể thiếu vai trò của nước, cả về mặt tiết kiệm, bảo vệ và tái sử dụng. Đã đến lúc mỗi chúng ta cần nhìn nhận nước thải không còn là thứ bỏ đi, mà là nguồn lực có thể tái sinh, nếu có chính sách đúng đắn và công nghệ phù hợp.
“Việt Nam cần khuyến khích các mô hình cộng sinh công-nông nghiệp, nơi nước thải sau xử lý từ nhà máy có thể phục vụ nông nghiệp. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện nước ta và xu thế của thế giới”, Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên đề xuất.