Giải pháp cung ứng nguồn nước sạch cho thành phố hơn 10 triệu dân

NDO - Ngày 15/11, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn phối hợp tổ chức hội thảo “Nước với đời sống: Cung ứng, sử dụng và đối phó với thách thức”.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo “Nước với đời sống: Cung ứng, sử dụng và đối phó với thách thức”.
Hội thảo “Nước với đời sống: Cung ứng, sử dụng và đối phó với thách thức”.

Bà Lý Việt Trung, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những ngày qua, thành phố Hà Nội bị thiếu nước sinh hoạt ở nhiều nơi, gây xáo trộn lớn đến cuộc sống người dân. Do đó, việc bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn, liên tục cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh vô cùng quan trọng, không chỉ trách nhiệm chính của ngành nước, mà cần sự chung tay, trách nhiệm của cả cộng đồng.

Giải pháp cung ứng nguồn nước sạch cho thành phố hơn 10 triệu dân ảnh 1

Nhà máy cấp nước Thủ Đức có công suất phát nước lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) thông tin một số thách thức mà ngành cấp nước thành phố đang phải đối đầu.

Đó là biến đổi khí hậu đã gây ra nhiễm mặn ở các dòng sông, điều này không chỉ tác động đến đồng bằng sông Cửu Long mà cả Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng báo động là các sông Đồng Nai và Sài Gòn, khu vực lấy nước thô bị nhiễm mặn trong các tháng cao điểm mùa khô.

Giải pháp trước mắt của Tổng Công ty là phối hợp với hai hồ điều tiết là Trị An và Dầu Tiếng xả nước từ hai hồ này vào thời điểm hạn để đẩy mặn.

Với vấn đề ô nhiễm, ông Minh dẫn chứng, sông Đồng Nai nằm cạnh thành phố Biên Hòa bị ô nhiễm, điểm lấy nước ở sông Sài Gòn nằm ở ngã ba sông Thị Vải cũng ô nhiễm nặng.

Chưa kể nguồn nước thải từ các khu công nghiệp chung quanh cũng tác động đến chất lượng nguồn nước mặt. Để giải quyết những vấn đề nan giải này, Sawaco đã phải bổ sung, thay đổi, sử dụng công nghệ mới, tiên tiến trong xử lý nước nhằm bảo đảm cấp nước an toàn và liên tục cho thành phố với khoảng 13 triệu dân.

Ngoài ra, một vấn đề được xem là thách thức được người đứng đầu Sawaco chia sẻ là giá nước sạch. Thành phố về cơ bản cho Tổng Công ty lập lộ trình giá nước 5 năm một lần: giai đoạn đầu là 2005-2010, sau đó là 2010-2013.

Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2019 Tổng Công ty đã lập lộ trình nhưng thành phố không cho tăng giá nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư, phát triển mạng lưới vì giá nước suy cho cùng là nguồn lực để đầu tư phát triển.

TS Nguyễn Hữu Nguyên trình bày quan điểm: Ở một đô thị thừa nước hay thiếu nước đều là thảm họa. Lâu nay, Thành phố Hồ Chí Minh chưa từng có thảm hoạ nào về nước sạch nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra rõ rệt đòi hỏi ngành cấp nước phải chuẩn bị kịch bản cho việc này.

TS Nguyễn Hữu Nguyên cũng dự báo một số kịch bản sẽ xảy ra cũng như hiến kế giải pháp đi kèm để xử lý kịp thời.

Thứ nhất là tình trạng khô hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập, do đó với tình huống này cần dẫn nước từ các hồ chứa nước tự nhiên đưa về bổ trợ.

Thứ hai là ngập úng sâu và kéo dài trong thành phố do nước lũ, nước sông đổ về kết hợp nước biển dâng cao. Giải pháp thực hiện là dẫn nước thải ra các kênh thoát nước tự nhiên ở hướng đông và hướng nam, dự trù trạm bơm trung bình và trạm bơm nhỏ mang tính chất thích ứng.

Thứ ba, nếu hệ thống cấp nước bị hư hỏng, gặp sự cố cần tăng cường nhiều biện pháp cấp nước tạm thời để duy trì việc cấp nước sạch sử dụng cho người dân.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng công suất cấp nước của toàn hệ thống khoảng 2,4 triệu m3/ngày, với mạng lưới đường ống dài gần 12.000km, cung cấp nước sạch cho gần 2,2 triệu hộ dân thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh có 7 nhà máy cấp nước sử dụng nước mặt, chiếm tỷ lệ 95% sản lượng nước của thành phố và một nhà máy nước ngầm chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo PSG, TS Nguyễn Minh Hòa, hiện nay, nguồn nước đang là vấn đề được toàn cầu quan tâm. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, ngành cấp nước thành phố cần xây dựng những kịch bản và chuẩn bị đối phó với những biến động có thể xảy ra, bên cạnh đó, quy hoạch không gian, phân bổ dân số hợp lý, kết hợp với xã hội số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.