Hải trình kéo dài tám ngày đã được nhiếp ảnh gia Nguyễn Á gói ghém đầy ắp ân tình đất liền-đảo xa trong cuốn sách ảnh mới nhất của anh.
Nhiều dịp đến với Trường Sa, các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 nhưng trong chuyến đi này, lần đầu tiên bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (Trưởng đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) được trải nghiệm vai trò làm phát thanh viên trên tàu.
Đến tận bây giờ, bà vẫn không thể nào quên những dòng chữ đong đầy niềm tự hào đã đọc trên đảo, rằng:
“Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hồi sinh và đang phát triển vươn ra tầm cao thế giới trong thời kỳ hội nhập. Thế nhưng, trong ký ức của mỗi người con đất Việt luôn xót xa khi nghĩ đến người thân, đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn ra đi vì hòa bình độc lập cho dân tộc. Ai đã đến và ai đã ra đi. Ai đã cho đời thêm hương, thêm sắc. Sự nghiệp các anh công dày chất ngất. Giây phút cuối cùng Tổ quốc mãi ghi công...”.
Từng bài viết, câu thơ và cảm nhận của các thành viên trong chuyến đi đặc biệt luôn khiến Trưởng đoàn Thành phố Hồ Chí Minh xúc động. Hải trình đong đầy yêu thương này được bà Yến gọi là bài học thực tế, ý nghĩa, giúp mỗi thành viên đoàn đại biểu nhận thức sâu sắc hơn, rõ hơn về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
“Người ta thường bảo “Đứng trước biển, ta thấy mình nhỏ bé” nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi đã đi, đã đến và tôi đã thấy: Đứng trước biển ở nơi đây là những người khổng lồ. Họ mang trên vai sức mạnh của niềm tự hào về biển trời quê hương đất nước”, bà Yến chia sẻ với chất giọng ấm áp yêu thương.
Trong bài viết cảm nhận về chuyến đi đăng trên sách ảnh “Hải trình yêu thương từ thành phố mang tên Bác” (Nhà xuất bản Thông tấn phát hành) của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Trần Thị Phương Hoa có kể: Đến thăm các anh sóng biển không lúc nào ngơi, cứ chông chênh, chông chênh mãi.
Lối lên nhà giàn và các đảo thì cheo leo, dốc cao nhưng tôi và tất cả thành viên trong đoàn quyết tâm phải đến tận nơi, trong lòng luôn rộn ràng niềm vui và háo hức như sắp được gặp chính người thân ruột thịt của mình nơi đảo xa.
Chúng tôi được cùng ăn, cùng nghỉ, cùng sinh hoạt, được tận mắt chứng kiến đã phần nào thấm thía những gian khổ, hy sinh của các anh nơi đầu sóng, ngọn gió.
Suốt hải trình kéo dài gần mười ngày ấy, trên mỗi điểm đảo, nhà giàn, đoàn đại biểu đã dành tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tình cảm chân thành, sự gần gũi, yêu thương thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi, động viên và dành tặng những công trình, phần quà có giá trị, ý nghĩa, thiết thực với đời sống, sinh hoạt, công tác trên các đảo, nhà giàn.
“Tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã kịp thời góp phần động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khắc phục khó khăn, bám biển, bám đảo, bám nhà giàn, khẳng định chủ quyền và phát triển kinh tế-xã hội trên các vùng biển đảo”, Đại tá Vũ Anh Tuấn, Chính ủy Vùng 2 Hải quân nói về cảm xúc trong chuyến đi vừa qua.
Hải trình đến với biển đảo lần này cũng khiến Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc tích góp thêm nhiều kỷ niệm quý giá trong đời.
Bao niềm tự hào, sự quý mến được anh gửi gắm vào từng câu thơ. Anh Tứ kể: Có những đêm, đứng trên boong tàu nhìn ra biển cả bao la. Trong màn đêm đen kịt xa xa là những ánh đèn lung linh của nhà giàn, của các tàu hàng, tàu đánh cá đang hoạt động trong hải phận Việt Nam. Anh lại thấy tự hào về biển cả, càng thấy trách nhiệm của bản thân với biển đảo Tổ quốc thân yêu.
Sách ảnh “Hải trình yêu thương từ thành phố mang tên Bác” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á bao gồm nhiều bài chia sẻ cảm nhận xúc động từ các đại biểu và 240 bức ảnh được tác giả chọn ra từ hàng nghìn lần bấm máy trên sóng biển lênh đênh. Lần đầu tiên đặt chân đến vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, trước chuyến đi, anh đã dành tâm thế đón nhận tất cả cảm xúc mới mẻ nhất để có thể ghi vào ống kính thật nhiều hình ảnh của con người, biển trời nơi đây.
“Mỗi lần lên đảo, nhà giàn DK1/10, tôi lại bồi hồi chứng kiến qua ống kính của mình niềm vui của các chiến sĩ, người dân khi có đoàn từ đất liền ra thăm. Họ trân trọng và chăm chút từng bước chân bước xuống tàu, bước chân leo dốc, đèo cho các thành viên đoàn công tác vốn còn lạ lẫm với địa hình trên đảo. Tôi đã ghi lại những cái ôm quyến luyến, những bàn tay siết chặt lúc chia tay mà cảm xúc dâng trào”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á xúc động nhớ lại.