Hạ tầng vẫn là nút thắt cần quan tâm tháo gỡ

Tại Kỳ họp thứ 15 tổ chức vào ngày 29/3 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã quyết nghị thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bấm nút biểu quyết thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bấm nút biểu quyết thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Nghị quyết được thông qua, Hội đồng nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị (Hội đồng nhân dân thành phố), và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế-xã hội, 5 vùng đô thị.

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền bắc (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa).

Qua thẩm tra, Ban Đô thị (Hội đồng nhân dân thành phố) cơ bản thống nhất nội dung Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo làm rõ thêm và tiếp tục hoàn thiện một số nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ đô Hà Nội có vị thế, vai trò rất quan trọng trong vùng Thủ đô cũng như cả nước.

Do vậy, Ban Đô thị đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố cần làm nổi bật hơn vị trí, đặc điểm của Hà Nội trong vùng Thủ đô, đánh giá kỹ hơn việc thực hiện chức năng vùng của thành phố; làm rõ vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển của Thủ đô đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; đánh giá về thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch, nguyên nhân của những bất cập, hạn chế; bổ sung dự báo các yếu tố điều kiện phát triển đặc thù của Hà Nội.

Về một số vấn đề cụ thể cần quan tâm, ông Đoàn Việt Cường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị (Hội đồng nhân dân thành phố) lưu ý đến việc rà soát, đánh giá cụ thể các bất cập, hạn chế, để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có giải pháp hiệu quả, giải quyết phù hợp; nhất là việc thiếu thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ. Hạ tầng của thành phố còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông công cộng chậm phát triển, hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, xử lý nước thải còn thiếu và yếu; ô nhiễm môi trường…

Thảo luận tại hội trường, đề cập vấn đề giao thông, nhất là phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, để giải quyết tình trạng quá tải giao thông, phát triển đường sắt đô thị là vấn đề cốt yếu. Thành phố cần có cơ chế đặc thù về vốn và huy động vốn để làm đường sắt đô thị; việc đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện cũng cần được quan tâm, tránh gây ra sự chậm trễ.

Góp ý vào bản quy hoạch quan trọng này, đại biểu Nguyễn Tiến Minh đề nghị, cần chú trọng vào quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô Thủ đô 100 triệu dân trong tương lai; cần lấy sông Hồng làm trung tâm của quy hoạch; quy hoạch hệ thống đường bộ theo hướng ô bàn cờ; xử lý tốt nước thải để làm sống lại các dòng sông. Về cơ chế phát triển hai bên bờ sông Hồng, cần làm rõ việc cho phép thành phố quy hoạch đến thế nào, có nên xem xét triển khai mô hình đê trong đê không.

Đại biểu Đường Hoài Nam thì cho rằng, khi tính đến quy hoạch trục không gian cảnh quan sông Hồng, cần tính đến sông Đuống, bởi đây là hai trục cảnh quan tự nhiên gắn với sự hình thành phát triển của quận Long Biên. Cần ưu tiên phát triển hệ thống giao thông tiếp cận, một là tuyến đường dọc hai bên bờ sông, các cây cầu bắc qua sông và tuyến đường thủy.

Trong đó tuyến dọc hai bên bờ sông và các cây cầu rất quan trọng để tạo ra động lực thúc đẩy phát triển hai bên bờ sông. Thành phố cần quan tâm chính sách huy động, lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giải phóng mặt bằng cần thông thoáng hơn thì mới có thể triển khai được quy hoạch. Việc xây dựng trục không gian cảnh quan sông Hồng rất phức tạp, khó khăn, tuy nhiên hiệu quả về kinh tế-xã hội, văn hóa rất lớn.