Bài 1: Đặt nền móng vững chắc
Thành phố Hà Nội hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, khối lượng hồ sơ thủ tục hành chính lớn… Để khắc phục những vấn đề này, các giải pháp chuyển đổi số đang được thành phố ứng dụng, từng bước góp những viên gạch để xây dựng thành phố thông minh.
Cuối tháng 11/2023, người dân đi 24 tuyến buýt và đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội đã có thể sử dụng vé điện tử liên thông đa phương thức. Vé điện tử giúp người dân không phải sử dụng vé giấy, thanh toán bằng tiền mặt khi đi xe buýt, cũng như không phải mua thêm vé khác khi chuyển sang đi đường sắt đô thị. Theo tính toán, khi triển khai đồng bộ, hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm được chi phí trả lương cho 4.000 nhân viên bán vé trên xe buýt.
Từ đó, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng. Thông qua hệ thống thu vé điện tử, cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý hệ thống vận tải công cộng trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, ở thời điểm hiện tại, hạ tầng giao thông của thành phố đang chịu sức ép rất lớn với gần tám triệu phương tiện cá nhân, tốc độ gia tăng cao. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông chỉ đạt từ 12-13%, thấp hơn rất nhiều so với con số từ 23 -26% theo quy định, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường.
Để giải bài toán trên, cũng như hướng tới việc xây dựng thành đô thị thông minh, Sở Giao thông vận tải đã hoàn thiện Đề án Xây dựng hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội, xây dựng Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Hệ thống sẽ có Trung tâm điều hành, giám sát giao thông thực hiện các nhiệm vụ như quản lý giao thông, quản lý bảo trì bảo dưỡng, thông tin, quản lý dữ liệu … Việc thu thập dữ liệu được thực hiện thông qua camera giám sát, đèn tín hiệu giao thông, bãi đỗ xe, cảm biến IoT …cũng như quá trình xử lý thông tin sẽ có sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đưa ra các quyết định.
Với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn, thành phố Hà Nội có khối lượng thủ tục hành chính phải giải quyết rất nhiều. Phó chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang dẫn chứng, một năm Hà Nội phát sinh bốn triệu hồ sơ thủ tục hành chính, gấp nhiều lần so với các tỉnh, thành phố khác; và phải xử lý khoảng hơn 1.800 thủ tục hành chính. Do đó, thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai nền tảng công dân số, công chức số trên địa bàn; thí điểm tiếp dân trực tuyến... để người dân đỡ phải đi lại và tăng cường minh bạch, phòng ngừa tham nhũng.
Thành phố đang xây dựng kho dữ liệu cá nhân, tổ chức, để khi giải quyết thủ tục hành chính người dân có thể lấy kết quả thủ tục đã được số hóa để giải quyết các thủ tục hành chính khác. Đồng thời, thành phố tập trung giải quyết điểm nghẽn trong việc chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành Trung ương. Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng ở cả ba cấp.
Nhiều lĩnh vực quan trọng khác như y tế, giáo dục, bảo hiểm, du lịch, văn hóa… của Hà Nội cũng đang được đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức quản lý, vận hành để phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả hơn. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh.
Mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Về kinh tế số, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRPD khoảng 30%. Về xã hội số, thành phố đặt mục tiêu 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số; phủ mạng internet băng rộng cáp quang tới 90% số hộ gia đình; 70% số người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 90% số dân có hồ sơ sức khỏe điện tử…
Thành phố đặt mục tiêu, đến năm 2030, Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo, dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế-xã hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: “Mô hình Thành phố thông minh, bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thật sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp”.
(Còn nữa)