Trong bối cảnh kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đỏi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội. Các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỷ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống. Vì vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, năm 2024, thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới quy trình vận hành sản xuất, đầu tư trang thiết bị công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đã thực hiện mô hình quản lý năng lượng, các giải pháp kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ có hiệu suất cao.
Tại Kế hoạch số 327/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6-1,8% so với mức dự báo nhu cầu. Cùng với đó, phấn đấu 100% chiếu sáng trên địa bàn sẽ sử dụng đèn LED.
Kế hoạch được ban hành nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động kinh tế-xã hội, dân sinh trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, vận hành đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả...
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6% - 1,8% so với mức dự báo nhu cầu, trong đó đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho từng khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trong các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại 2 và dịch vụ; xây dựng; quản lý và tiêu dùng; nông - lâm - ngư - nghiệp; các hoạt động khác. Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED. Các cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Tiếp tục thực hiện các giải pháp góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp.
Triển khai hiệu quả phong trào Hộ gia đình sử dụng an toàn, tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025. Công nhận 1.050 hộ gia đình tiêu biểu sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cấp Thành phố năm 2025 (50 hộ/quận; 25 hộ/huyện, thị xã), công nhận 5.250 hộ gia đình tiêu biểu sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cấp quận, huyện, thị xã năm 2025 (250 hộ/quận; 125 hộ/huyện, thị xã). Phấn đấu đạt 60% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Kế hoạch, các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên đảm bảo tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc đảm bảo tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
Đạt chỉ tiêu 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Tích cực phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia có 100% doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp và 80% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi xanh.
Kế hoạch cũng đặt chỉ tiêu đạt 70 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và có ít nhất 04 đến 06 cơ sở sử dụng năng lượng, công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp Quốc gia.
Tập huấn, hướng dẫn cho 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, người quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng; phối hợp đào tạo và cấp chứng chỉ 50-60 cán bộ quản lý năng lượng.
Để thực hiện kế hoạch, thành phố giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và tổ chức liên quan thực hiện các nội dung về tiết kiệm điện và triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tư vấn kiểm toán năng lượng, đánh giá suất tiêu hao năng lượng, tập huấn và đào tạo cán bộ, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng...