Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách

Tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp giúp hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm và đáp ứng các tiêu chí về môi trường mà thị trường đặt ra. Chia sẻ tại Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng ngày 19/8 tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam đã có những trao đổi dưới những góc nhìn đa dạng và sâu sắc tập trung vào các vấn đề trên.
Các đại biểu tại buổi tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách”
Các đại biểu tại buổi tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách”

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) được phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đề ra với mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 5%-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai trong giai đoạn 2019-2025 và từ 8%-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong cả giai đoạn từ 2019-2030.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai, qua đó ghi nhận những kết quả khả quan sau hơn 5 năm thực hiện. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn còn rất lớn và còn nhiều việc phải làm.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua rất nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt là từ 2010 chúng ta đã có Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và cho đến thời điểm này đã có khoảng 16 Thông tư, 2 Nghị định và 2 Quyết định cuả Thủ tướng Chính phủ cũng như khoảng 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Đây là những văn bản hiện hành cho đến thời điểm này và có thể thấy việc ban hành các văn bản chính sách góp phần cho chúng ta tiết kiệm từ 5 đến 7% cho giai đoạn trước.

Với mục tiêu đó, năm 2019 Thủ tướng đã ban hành Quyết định 280 với chương trình mục tiêu quốc gia thì chúng ta tiếp tục đặt mục tiêu là từ 7% đến khoảng 10% năm 2025, đến 2030 chúng ta phải tiết kiệm được khoảng 10% so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường.

Doanh nghiệp sản xuất chưa quan tâm một cách thực sự tới tiết kiệm điện

Đánh giá về thực trạng sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay và tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng như đóng góp của các cơ sở sản xuất trong việc thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, trong năm 2023 và đặc biệt là 7 tháng đầu năm 2024 tốc độ phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt tăng trưởng về điện; năm 2023 chỉ đạt được 4,29%, tuy nhiên 7 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng về điện đạt mức 14%.

Đây là một mức tăng trưởng cao và đối với các ngành sản xuất hiện tại tỷ trọng của các ngành sản xuất trong cơ cấu về thương phẩm, về sản lượng chiếm tới 51% và đạt vào khoảng 210 tỷ kWh/năm. Chúng ta cũng thấy sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với khu vực sản xuất tác động rất lớn tới vấn đề sử dụng điện tiết kiệm đối với toàn xã hội và đảm bảo vấn đề cung cấp đủ điện cho toàn xã hội.

Tuy nhiên, ông Dũng nhận định vẫn có một số khó khăn đối với các doanh nghiệp. Thứ nhất, đối với một số doanh nghiệp, nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện vẫn còn hạn chế, có những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiết kiệm điện và thậm chí không đủ năng lực hay cũng chưa tiếp cận được với những công nghệ hoặc khó khăn về mặt tài chính.

Thứ hai là về chính sách. Giá điện hiện tại đang thực hiện theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được ban hành từ năm 2014. Giá phụ thuộc vào các cấp điện áp. Thế nhưng chúng ta cũng thấy rằng đối với giá giờ bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ khoảng độ 84-92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52 đến 59% giá bình quân. Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất là lớn. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng từ 20-30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê đánh giá của Bộ Công Thương thậm chí lên tới khoảng 30-35%. Đây là con số rất lớn về tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách ảnh 1

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất là lớn. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Tiết kiệm năng lượng tốt sẽ có thế mạnh hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong cung cấp giải pháp về phát triển bền vững tại Việt Nam hiện nay, ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam cho biết, thực sự tiết kiệm năng lượng có tác động rất lớn với doanh nghiệp.

Có hai khía cạnh mà doanh nghiệp cần phải chú ý. Đối với một số ngành về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng chi phí điện đang chiếm từ 15-20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm. Với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nếu không có yêu cầu về tiết kiệm năng lượng dẫn đến chi phí tiếp tục tăng cao và dẫn đến giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đặc biệt khi nói về thị trường xuất khẩu, hiện giờ tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đang rất chú trọng vào việc thống kê và sử dụng phát thải carbon khi sản xuất sản phẩm. Nếu chúng ta tiết kiệm năng lượng tốt, thông qua đó giảm khí thải carbon tốt, đó là những tiền đề, những tiêu chuẩn quan trọng để giúp chúng ta có thế mạnh hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu.

Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Đặng Hải Dũng cho biết thêm, xu hướng chung hiện nay chúng ta cũng đang hòa nhập quốc tế và chúng ta cũng đã cam kết trung hòa carbon. Vì vậy, Chính phủ cũng như các bộ, ngành ban hành rất nhiều chính sách liên quan để trung hòa carbon và đặc biệt là tiết kiệm năng lượng.

Trong lĩnh vực năng lượng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong đó có đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến tiết kiệm năng lượng, từ khâu tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, trong tòa nhà, rồi tiêu thụ năng lượng trong dân dụng, các chính sách liên quan đến vấn đề loại bỏ các công nghệ mà phương tiện, thiết bị lạc hậu để tiêu thụ năng lượng trở nên hiệu quả hơn.

Về phía Chính phủ, Nghị quyết 140 của Chính phủ trong đó có đặt ra rất nhiều giải pháp để các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp có định hướng rất rõ ràng về xu hướng của quốc tế mà chúng ta đã cam kết và cũng như đặt ra các bài toán phải giải trong tương lai.

Ông Dũng nhấn mạnh, chúng ta có thể thấy xu hướng giảm carbon trong tiêu thụ các sản phẩm mà một phần lớn năng lượng nằm trong cơ cấu giá thành của sản phẩm để tạo ra một sản phẩm mới. Đối với châu Âu, năm 2026 họ sẽ bắt đầu đánh thuế và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đối với hàng hóa xuất khẩu. Chính vì vậy chúng ta đang có những thách thức do các thị trường ở ngoài nước đặt ra.

Vì vậy ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp cũng nên nắm bắt được thông tin về các rào cản liên quan đến môi trường. Tuy nhiên để giảm được tiết kiệm năng lượng hoặc giảm dấu vết carbon thì có thể thấy bài toán công nghệ đi liền theo các vấn đề liên quan đến nguồn lực đầu tư, từ đầu tư trang thiết bị hạ tầng cho đến đầu tư về con người, về đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường quốc tế. Đây là những rào cản chính về công nghệ, vốn và con người để đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới.