Hà Nội tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực phát triển của thành phố. Hà Nội đã nhìn rõ những hạn chế dẫn đến tình trạng này và yêu cầu các ngành chức năng có giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ hơn 90%.
0:00 / 0:00
0:00
Đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng) sau khi hoàn thành sẽ được kết nối đến đoạn Ngã tư Sở đã được khai thác trước đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho tuyến đường Trường Chinh, Đại La, Minh Khai. (Ảnh MỸ HÀ)
Đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng) sau khi hoàn thành sẽ được kết nối đến đoạn Ngã tư Sở đã được khai thác trước đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho tuyến đường Trường Chinh, Đại La, Minh Khai. (Ảnh MỸ HÀ)

Những ngày này, bất chấp thời tiết không thuận lợi vì ảnh hưởng của mưa bão, hơn 500 công nhân trên dự án đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng vẫn làm việc ba ca trên công trường. Ông Đào Đăng Hiệp, Trưởng nhóm hiện trường tư vấn quản lý dự án cho biết, nhờ tập trung nhân lực, thiết bị và biện pháp thi công hiệu quả, đến nay dự án đã đạt 80% khối lượng công việc, dự kiến thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12/2022.

Còn nhiều vướng mắc

Không chỉ vượt tiến độ bốn tháng, dự án còn là một trong những điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, bởi đến thời điểm này, dự án đã giải ngân được 9.300 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, thành phố xác định việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Năm 2022, tổng vốn đầu tư công của Hà Nội là hơn 51.000 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố là 34.000 tỷ đồng; cấp huyện là hơn 16.000 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của thành phố từ đầu năm đến ngày 30/6/2022 đạt 10.777 tỷ đồng, bằng 21,1% kế hoạch giao. Nếu nhìn vào thời điểm hết quý I/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố chỉ đạt 8% kế hoạch thì đây là con số khả quan, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu của Chính phủ và thành phố.

Theo nhận định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đến nay, các đơn vị đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong giai đoạn đầu năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, công tác thực hiện còn hạn chế, chưa hiệu quả, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ; kỷ luật trong công tác đầu tư công chưa nghiêm, nên vẫn có một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ thực hiện, dẫn đến giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch của toàn thành phố.

Đơn cử như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện Thạch Thất mới đạt 8,1%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 2,9%; thậm chí có đơn vị đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 như Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long -Hà Nội…

Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là do những khó khăn vướng mắc từ nhiều năm. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án phát sinh hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án, một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của dự án.

Các dự án ODA đều phải làm thủ tục điều chỉnh tiến độ, gia hạn Hiệp định vay. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, gồm cả các dự án cấp thành phố, cấp huyện chưa bảo đảm tiến độ, chưa đủ điều kiện bố trí vốn năm 2022, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân… Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng vẫn rất khó khăn, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với dự án bồi thường…

Tăng trách nhiệm người đứng đầu

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các ngành chức năng có các giải pháp có tính đột phá nhằm thúc đẩy ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ hơn 90%. Thành phố phải tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các cấp, các ngành; xác định đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cán bộ, công chức liên quan.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Lê Hồng Sơn, thành phố tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư tăng tính chủ động trong phối hợp với các quận, huyện và các sở, ngành để triển khai dự án, rà soát, đánh giá kỹ khả năng thực hiện của dự án với tinh thần nỗ lực cao nhất, lập kế hoạch cụ thể; cam kết kết quả giải ngân theo từng dự án, từng tháng, từng quý và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố kết quả giải ngân các dự án.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước thành phố về công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn; một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu giải quyết kiến nghị, đề xuất của các đơn vị về công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công của thành phố.

Đối với các dự án không có khả năng thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, chủ đầu tư là người đầu tiên chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, do vậy, từng chủ đầu tư cần phải rà soát kỹ và đề xuất với thành phố. Các đơn vị liên quan phải rà soát đồng bộ các dự án chuyển tiếp, các dự án mới để xác định tính cấp thiết, thứ tự ưu tiên để đề xuất bố trí vốn thực hiện trong kế hoạch trung hạn và hằng năm cho hợp lý.