Gỡ khó để phát triển giáo dục mầm non

NDO - Ngày 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị.

Đại diện ngành giáo dục các địa phương và nhóm chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới cùng nhìn lại 2 năm thực hiện Nghị định.

Đồng thời, các đại biểu thảo luận về công tác đầu tư, quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong giáo dục mầm non và hình thức đối tác công tư trong đầu tư phát triển giáo dục mầm non; những kinh nghiệm trong tham mưu ban hành chính sách địa phương; chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, đông lao động…

Báo cáo sơ kết của Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Các địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, mở rộng diện tích đất cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Đến hết năm học 2021-2022, toàn quốc có 15.401 trường mầm non, 15.385 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tổng số cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc là 30.786.

Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non ở các địa phương được cải thiện đáng kể. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố, hiện đại.

Những điều kiện cho trẻ đến trường, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn ngày một tốt hơn.

Đáng chú ý, nhiều chính sách hỗ trợ trẻ mầm non đã được thực hiện tốt. Tính đến hết năm học 2021-2022, có 995.821 lượt trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa với kinh phí hơn 1.170 tỷ đồng.

Đến hết tháng 9/2022, 40 tỉnh/thành phố đã ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với trẻ em, trong đó, 5 tỉnh ban hành mức hỗ trợ cao hơn so với quy định. Theo tổng hợp số liệu báo cáo từ 40 tỉnh này, có khoảng hơn 86 nghìn trẻ em thuộc đối tượng nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng đề cập đến nhiều khó khăn, hạn chế hiện nay về công tác quản lý chỉ đạo, công tác quy hoạch và đầu tư phát triển giáo dục mầm non, chính sách đối với trẻ em, đội ngũ giáo viên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Tháng 9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Đây là một văn bản quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo sát sao, các địa phương tích cực tham mưu và triển khai thực hiện; đã có nhiều cách làm, phương pháp để thực hiện Nghị định này.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030” và Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.

Bộ cũng chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; ban hành và tham mưu ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Về phía địa phương, cần chú trọng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, các quy định về quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Bảo đảm việc phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đồng thời, quan tâm, bố trí dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; có chính sách phù hợp đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường công tác quản lý và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.