Tăng tỷ lệ trẻ mầm non được tiếp cận giáo dục

Những năm qua, nhờ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục mầm non đã phát triển toàn diện về quy mô, mạng lưới trường, lớp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của học sinh Trường mầm non Hoa Hướng Dương, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)
Giờ học của học sinh Trường mầm non Hoa Hướng Dương, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)

Tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lấy ý kiến từ các chuyên gia giáo dục về việc xây dựng dự thảo đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030 nhằm từng bước củng cố vững chắc chất lượng giáo dục mầm non.

Theo Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh, mục tiêu chung của dự thảo đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ ba đến bốn tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030 nhằm bảo đảm hầu hết trẻ em mẫu giáo từ ba đến năm tuổi ở mọi vùng, miền đều đến lớp để được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Mục tiêu hết năm 2025, trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non đạt 95% và 100% trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non được học hai buổi/ngày. Đối với đội ngũ giáo viên, phấn đấu đến năm 2025, có đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định; tỷ lệ giáo viên có trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên đạt 90%; 60% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo.

Để triển khai hiệu quả việc mở rộng phổ cập các lứa tuổi trong giáo dục mầm non, Phó phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp các bộ, ngành tham mưu Chính phủ làm rõ các cơ chế, chính sách về các điều kiện bảo đảm như giáo viên, cơ sở vật chất, nguồn lực kinh phí thực hiện phổ cập. Trong quá trình triển khai, các bộ, ngành cần có các văn bản bảo đảm sự thống nhất, liên thông để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk Lê Thị Kim Oanh cũng đưa ra quan điểm cần triển khai phổ cập trong giáo dục mầm non. Tuy nhiên, với các tỉnh còn khó khăn như Đắk Lắk, cơ sở vật chất trang thiết bị, các bộ đồ chơi ngoài trời, nhất là ở các điểm lẻ phần lớn không bảo đảm. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu các chỉ tiêu sao cho phù hợp để các địa phương có thể bảo đảm được kế hoạch đề ra.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước Lê Hải Đăng đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung thêm chế độ cho các cán bộ, giáo viên theo dõi công tác phổ cập giáo dục mầm non. Trong khi đó, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lương Thị Hồng Điệp cho biết, việc phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (ba đến bốn tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030 rất nhân văn với trẻ mầm non, giúp Thành phố Hồ Chí Minh có thêm cơ chế để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tuy nhiên, việc dự kiến chỉ tiêu về trường mầm non đạt chuẩn quốc gia sẽ rất khó cho địa bàn đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh do gặp nhiều khó khăn về quỹ đất xây dựng trường, nhất là các trường mầm non.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Luật Giáo dục đã khẳng định, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, ngôn ngữ và thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thời gian tới cần huy động các nguồn lực xã hội một cách hợp lý và cần có tính kết nối các nguồn lực một cách tốt nhất. Đồng thời, ngành giáo dục cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội, các bộ, ngành và các địa phương. Việc dự thảo đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (ba đến bốn tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030 cần bảo đảm tính logic giữa các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp và kế thừa những kinh nghiệm quốc tế một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Hiện nay, cả nước có hơn 5,3 triệu trẻ mầm non; 377.103 giáo viên mầm non; hơn 206 nghìn phòng học, trong đó có 80% phòng học kiên cố; có 51,4% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. So với năm học 2010-2011, tăng hơn 71 nghìn phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 30,6%, tăng 160.399 giáo viên, trường đạt chuẩn quốc gia tăng 32,5%.

(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)