Chương trình Giáo dục mầm non mới trao quyền chủ động cho địa phương

NDO - Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng Chương trình giáo dục mầm non”. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm 2009, Chương trình giáo dục mầm non đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và thực hiện trên toàn quốc.

Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giáo dục phổ thông đạt được những kết quả tốt.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trước yêu cầu cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình giáo dục mầm non đã tốt nhưng là chưa đủ.

Vì vậy, khi bắt tay xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn lắng nghe kinh nghiệm từ thực tiễn, khuyến cáo của các chuyên gia để việc xây dựng sẽ đạt mục tiêu đặt ra.

Với tầm quan trọng của bậc học nền tảng, có vai trò quyết định trong hình thành nhân cách, thể chất của con người, với những thách thức khi triển khai xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới như đòi hỏi tính liên ngành, tính tích hợp cao, Bộ trưởng mong rằng sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến từ hội thảo, qua đó có được những định hướng đúng đắn về xây dựng chương trình, tránh được nhiều nhất những sai lầm; bảo đảm chương trình vừa tiếp thu được kinh nghiệm của thế giới, khoa học của giáo dục mầm non, vừa phù hợp với thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam.

Chương trình Giáo dục mầm non mới trao quyền chủ động cho địa phương ảnh 1

Sơ đồ quá trình sư phạm trong Chương trình giáo dục mầm non mới được thể hiện rõ.

Trình bày về quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bá Minh cho biết: Quan điểm chung xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành.

Chương trình cần thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ngoài ra, chương trình cũng cần tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế và chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.

Trưởng Ban Biên soạn Chương trình giáo dục mầm non, Viện trưởng Khoa học giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh cho biết: Chương trình giáo dục mầm non mới kế thừa những ưu điểm của chương trình giáo dục mầm non hiện hành. Cụ thể, Chương trình giáo dục mầm non được xây dựng theo tiếp cận năng lực, thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, hoà nhập, lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm.

Chương trình bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông với chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Chương trình giáo dục mầm non là chương trình khung, có tính chất mở, quy định những nội dung giáo dục cốt lõi áp dụng đối với mọi trẻ em mầm non; đồng thời trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ em, bối cảnh văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn.

Toàn bộ Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng trên Quyền và chú trọng bảo đảm 4 nhóm quyền của trẻ em: Quyền được sống còn; Quyền được phát triển; Quyền được bảo vệ; Quyền tham gia với các quyền cụ thể trong Luật Trẻ em.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, góp ý bổ sung, điều chỉnh quan điểm, định hướng xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới. Các giải pháp nhằm phát huy nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 6 tuổi nói chung và xây dựng thành công Chương trình giáo dục mầm non mới nói riêng cũng sẽ được đề cập tại hội thảo.

Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non, đến nay, Chương trình giáo dục mầm non đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở (đạt 100%), trong đó 99% trẻ em được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non.

Cũng tại hội thảo, Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo kết quả đánh giá 10 năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Theo đó, Chương trình giáo dục mầm non được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009.

Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non, đến nay, Chương trình giáo dục mầm non đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở (đạt 100%), trong đó 99% trẻ em được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non.

Chương trình giáo dục mầm non đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non: Chương trình thể hiện tính chất của Chương trình khung quốc gia, tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện.

Chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện bảo đảm cho trẻ phát triển liên tục, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ.

Năm học 2019-2020, toàn quốc huy động 5.795.002 trẻ em đến trường để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 90,1%, tăng 7,1%.

Cả nước có 364.776 giáo viên mầm non, tăng 149.751 giáo viên; tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên tăng 34,8% so với năm học 2010-2011.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị nhóm biên soạn tiếp tục đánh giá, khảo sát sâu hơn đối với Chương trình giáo dục mầm non hiện hành, tiếp thu ý kiến từ giáo viên-những người trực tiếp triển khai chương trình về những thuận lợi, vướng mắc.

Bộ trưởng lưu ý, học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng, song việc thiết kế chương trình phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại Việt Nam về điều kiện, mức sống, đội ngũ giáo viên...; cần có sự phân tích kỹ những đối tượng sẽ chuyển hóa, thực thi chương trình này trong thực tế, với bối cảnh một vài năm tới chưa có sự thay đổi đáng kể nào so hiện nay.

Bộ trưởng gợi mở một số nguyên tắc khi xây dựng chương trình như tính kế thừa chương trình cũ, lấy nền tảng khoa học tâm lý học, trong đó nhấn mạnh đặc thù lứa tuổi.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị nhóm chuyên môn xem xét thật thấu đáo cách tiếp cận năng lực phù hợp với giáo dục mầm non, bởi nếu không thận trọng sẽ lấy cách tiếp cận phổ thông cho bậc học này; thống nhất với mục tiêu chung là nhằm phát triển con người toàn diện, song cần định hướng các giá trị ở bậc học mầm non theo hướng giản dị, trong đó định hướng đầu tiên là sự lương thiện của con người.

“Vì đây là vấn đề hệ trọng, không được phép sai lầm, nên cần rút kinh nghiệm những giai đoạn trước, việc khảo sát, thử nghiệm phải làm rất thấu đáo. Mục tiêu là có một chương trình giáo dục mầm non tốt, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện. Tinh thần là dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em và cần chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, giáo viên, tâm thế, truyền thông… để có thể có được kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.