Gỡ khó cho ngành du lịch

Tại hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” do báo Thanh Niên tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp ngành du lịch cho rằng, chính sách thị thực (visa) là một trong nhiều nguyên nhân khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham quan không gian văn hóa ẩm thực Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay. (Ảnh THẾ ANH)
Khách du lịch tham quan không gian văn hóa ẩm thực Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay. (Ảnh THẾ ANH)

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, trước khi xảy ra dịch Covid-19, du lịch đóng góp đến 9,2% vào GDP của cả nước. Sau dịch, dù chúng ta mở cửa sớm nhưng đến nay du lịch chỉ đóng góp chưa tới 2% GDP. Lấy Vietjet làm dẫn chứng, ông Quang cho biết trước đây, mỗi ngày VJ có đến 85 chuyến bay đến Trung Quốc, trong hai năm qua đã ngưng toàn bộ. Chuyển hướng qua thị trường Ấn Độ nhưng công suất cao nhất cũng chỉ có 17 chuyến mỗi ngày.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên dẫn chứng, năm 2022, chúng ta đặt mục tiêu thu hút năm triệu lượt khách quốc tế nhưng chỉ đạt 3,5 triệu lượt khách. Năm 2023, Việt Nam lên kế hoạch thu hút tám triệu lượt du khách quốc tế, song con số này đang gặp thách thức rất lớn khi Trung Quốc chậm đưa Việt Nam vào 20 quốc gia cấp visa theo đoàn và đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước láng giềng. Thực tế cho thấy khách quốc tế là thị phần khách có đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của ngành du lịch.

Minh chứng là trong ba năm trước đại dịch Covid-19, trung bình lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng một phần năm lượng khách nội địa nhưng lại đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Dịp Tết Nguyên đán 2023, khách nội địa tăng gần 50% nhưng tổng thu du lịch giảm 30%...

Theo ông Toàn, nguyên nhân khiến ngành du lịch gặp khó khăn là do chính sách thị thực (visa) chưa thông thoáng. Số lượng các quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam còn ít (24 quốc gia), thời gian được miễn thị thực ngắn (từ 15 ngày đến 30 ngày); các phương án thay thế như cấp visa điện tử hay cấp visa tại cửa khẩu chưa phát huy được hiệu quả do thủ tục thực hiện còn phức tạp, thiếu nhân lực, công nghệ…

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam nhận định: Chính sách visa là nguyên nhân gây ra những khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch, hàng không Việt Nam đã và đang mắc phải. Theo ông Nam, cần tăng số nước miễn visa đơn phương, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên từ 30 ngày đến 45 ngày, nhất là cần cho du khách vào ra nhiều lần.

Nếu không có chính sách này, sân bay Long Thành trong tương lai khó thực hiện việc trung chuyển. Bà Trần Nguyện, Phó Tổng giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group đề xuất, trong ngắn hạn cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, cụ thể là mở rộng miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để có thể tranh thủ đón khách quốc tế trong dịp hè này.

Trong dài hạn, nên sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó, cần tăng thời hạn miễn thị thực lên từ 90 ngày đến 180 ngày, thời gian tạm trú từ 30 ngày đến 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Xem xét thêm việc miễn phí visa cho một số nước khách có nhu cầu ở dài như Australia, New Zealand...; đồng thời, nghiên cứu quy trình, ứng dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, visa là một trong những khâu cần phải tháo gỡ để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được cấp visa, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch từ các thị trường xa.

Tương tự, thay vì cấp thị thực một lần, nên nâng cho xuất, nhập cảnh được nhiều lần vì nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố có nhu cầu mở tua liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều. Chính sách thị thực một lần đã làm mất cơ hội tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách miễn thị thực lên 5 năm để các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và đối tác có thể xây dựng các kế hoạch khai thác thị trường ổn định và tương đối dài hạn hơn.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) Trần Phú Cường cho biết: 15 ngày lưu trú là không đủ với khách đường dài cho nên phải mở rộng thêm. Để bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt, hấp dẫn liên quan đến thu hút đầu tư, cảnh quan, an ninh, an toàn..., theo ông Cường, từ khi Bộ Công an xây dựng luật về xuất, nhập cảnh thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kiến nghị nới lỏng việc cấp visa, nhưng đến nay chưa có sự đột phá do việc cấp visa liên quan đến Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Trả lời về chính sách thị thực, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất, nhập cảnh, Bộ Công an cho rằng, chính sách thị thực hiện tại của Việt Nam đã được đánh giá là thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài.

Cụ thể, công dân 13 nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian lưu trú 15 ngày không phân biệt mục đích. Sau thời gian này, các cơ quan công an có thể gia hạn tạm trú (không phải hoàn toàn giới hạn trong 15 ngày). Nhưng qua thống kê, không có nhiều khách du lịch đề nghị gia hạn tạm trú. Bên cạnh đó, người nước ngoài vào khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu thì được miễn thị thực trong 30 ngày.

Như vậy, khách quốc tế có thể vào các khu vực này bất kỳ lúc nào. Đồng thời, Việt Nam đã thực hiện cấp thị thực điện tử (eVisa) có thời hạn tạm trú 30 ngày. Khách nước ngoài chỉ cần sử dụng điện thoại hay máy tính đăng ký vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và khai thông tin là được. Mức phí eVisa là 25 USD nộp trực tiếp vào tài khoản của Bộ Tài chính. Sau thời gian ba ngày, Cục Quản lý Xuất, nhập cảnh sẽ trả kết quả online.