Việc Lê Thanh Hoa tìm đến, gắn bó với ngôn ngữ ký hiệu và cộng đồng người khiếm thính hết sức tình cờ. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Ðại học Kinh tế quốc dân, nhân dịp Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội tổ chức buổi giao lưu kỷ niệm ba năm Ngày thành lập, Hoa đã xung phong làm người dẫn chương trình. Chỉ sau ba ngày kiên trì tập luyện ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính, em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hoa tâm sự: "Sau sự kiện đó, em hiểu được những thiệt thòi rất lớn trong cuộc sống của người khiếm thính. Họ thường sống khép kín, tách biệt với cộng đồng. Ðiều này thôi thúc em tìm một cách nào đó giúp người khiếm thính hòa nhập với xã hội".
Từ đó, Hoa quyết tâm theo học, sử dụng thành thạo ngôn ngữ ký hiệu. Em dành hai tháng trời để học thành thạo việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Từ một tình nguyện viên, em được mọi người bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội. Em bàn bạc với các bạn trong Câu lạc bộ mở lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu cho mọi người. Hoa nhớ lại, thời gian đầu mới mở lớp vô cùng khó khăn, em phải tự bỏ tiền túi để thuê địa điểm học, thuê giáo viên, giới thiệu lớp học với cộng đồng... Nhưng nhờ sự cố gắng, lòng kiên trì của Hoa, lớp học ngày càng thu hút nhiều học viên, từ lúc chỉ có từ bốn, năm người học, dần dần lớp học có rất nhiều học viên, cả những người khiếm thính và những người bình thường ở mọi lứa tuổi. Những học viên khiếm thính sau khi được học tại các lớp học ngôn ngữ đã giao tiếp được với người thân, bạn bè, một số người kiếm được việc làm với thu nhập ổn định.
Những kết quả bước đầu đã giúp Thanh Hoa tự tin thành lập Trung tâm Ðào tạo và Nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu tại số 8 phố Nguyễn Trường Tộ vào tháng 9-2011. Trung tâm có các lớp học được tổ chức vào tối thứ hai và thứ tư hằng tuần với khoảng 30 học viên, trong đó có những học viên khuyết tật được miễn phí đào tạo. Mỗi tháng lớp tổ chức một buổi giao lưu với những người khiếm thính. Ðây là cơ hội để các bạn được thực hành những gì đã học, hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa người khiếm thính và cảm nhận rõ ràng hơn ý nghĩa việc học ngôn ngữ ký hiệu. Sau gần ba năm hoạt động, trung tâm đã đào tạo ngôn ngữ ký hiệu cho hơn 1.000 người.
Không chỉ tâm huyết với lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu, Thanh Hoa còn tham gia làm các phim tài liệu bằng ngôn ngữ ký hiệu giới thiệu về các di tích văn hóa, lịch sử Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm Bát Tràng... Các bộ phim được in ra đĩa CD, làm công cụ giảng dạy cho các trường chuyên biệt dành cho người câm điếc, hoặc truyền tải trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn dành cho người khuyết tật...
Những việc làm thiết thực của Thanh Hoa đối với cộng đồng người khiếm thính thời gian qua được xã hội ghi nhận. Dự án "Thành lập Trung tâm Ðào tạo và Nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu" của cô đã được Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng trao Giải thưởng Doanh nhân xã hội, được nhận hơn 100 triệu đồng hỗ trợ về vốn để trung tâm hoạt động, ngoài ra cô còn được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng quản lý doanh nghiệp, kỹ năng truyền thông... Ðây là nguồn cổ vũ, khích lệ lớn từ cộng đồng để cô tiếp tục thực hiện những dự án xã hội tiếp theo. Thanh Hoa đang ấp ủ dự định xây dựng trung tâm trở thành nhịp cầu nối giữa người khiếm thính với nhau và với cộng đồng, để những người khiếm thính ở Hà Nội và trên mọi miền đất nước có thể tìm đến để cùng chia sẻ, học hỏi và được tư vấn, hỗ trợ về nghề nghiệp, cuộc sống...
BẢO THY