Kể từ khi ra đời, Thăng Long - Hà Nội vốn là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của nhiều vùng miền, khi người dân các vùng miền về đây sinh cơ, lập nghiệp. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chu trình này có những biến đổi nhanh chóng. Theo Phó Giáo sư Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc mở rộng địa giới hành chính khiến Hà Nội hiện đại có nhiều dòng văn hóa “chung sống” trên một mảnh đất. Đó là văn hóa Kinh kỳ, văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam Thượng, chưa kể văn hóa Kinh Bắc - khu vực Đông Anh, Gia Lâm đã “về” với Hà Nội từ trước đó. Nhiều lớp văn hóa, nhiều yếu tố mang tính vùng miền hội tụ mang đến nhiều tiềm năng, nhưng cũng là thách thức. Điều này gây ảnh hưởng đến việc chắt lọc, hình thành, lan tỏa cốt cách văn hóa Thăng Long - Hà Nội xuyên suốt từ truyền thống đến hiện tại.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô) cho rằng: Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ với tốc độ cao đã tập hợp nhiều người ở khắp các miền đất nước về Thủ đô sinh sống, lập nghiệp. Họ mang theo phong tục, tập quán, thói quen, văn hóa, lối sống, cách ứng xử của vùng quê của họ đến Thủ đô, khiến nhiều nét đẹp văn hóa của Hà Nội bị mai một.
Một vấn đề khác đặt ra là sự va chạm giữa truyền thống và hiện đại. Lối sống công nghiệp ngày càng phổ biến, khiến cho tính kết nối giữa các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng. Những tiêu cực của “văn hóa mạng” lan ra cuộc sống, những cách ăn nói, cư xử thiếu văn hóa lấn át nếp ứng xử “có lịch, có lề”.
Văn hóa Hà Nội lâu nay là quá trình hội tụ, giao lưu cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ văn hóa Hà Nội đứng trước những thách thức, những thay đổi trên quy mô lớn như hiện nay.
Tại Hội thảo “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa mới tổ chức, các chuyên gia văn hóa, các nhà khoa học đã nhận định: Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội, nhất là khi Chương trình coi xây dựng văn hóa, con người Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm. Theo các nhà khoa học, chương trình gồm nhiều nội dung cụ thể, từ gìn giữ di sản, xây dựng văn hóa ứng xử, cho đến nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo… Song, nhiều người chưa nhìn nhận đúng mối quan hệ giữa các nội dung. Thành phố đã đầu tư nguồn lực xã hội to lớn cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Thực tế, gìn giữ những di tích, di sản này, nhất là những di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt đã giúp mỗi người hiểu thêm về lịch sử, văn hóa truyền thống thành phố. Từ đó, tác động gián tiếp đến việc gìn giữ những nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử.
Đối với các hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử, việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã thể hiện tốt sự kế thừa văn hóa người Hà Nội, đồng thời, có những tiêu chí ứng xử phù hợp với xã hội hiện đại. Song, để những quy tắc này đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội, theo Phó Giáo sư Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cần đề cao vai trò của người nêu gương, trước hết là sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; tiếp đó, là sự nêu gương của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi để quần chúng và các thế hệ khác noi theo.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh tính kế thừa trong xây dựng văn hóa, con người Hà Nội. Các nhà khoa học Hà Nội đã chỉ ra những “Tục hay, lệ lạ của Thăng Long - Hà Nội” (tên một cuốn sách do Tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chủ biên), trong đó, nhiều tục lệ vẫn nguyên giá trị và là những gợi ý thiết thực trong xây dựng văn hóa. Những “tục hay, lệ lạ” này có thể là sự gợi ý để huy động sự vào cuộc của các địa phương, hệ thống tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp để đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức. Trước sự phát triển của công nghệ, nhiều nhà khoa học đề xuất, thành phố cần tận dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp. Việc triển khai trang thông tin “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” (www.hanoidep.vn) chính là một trong những biện pháp như thế.
Theo Giáo sư Lê Hồng Lý, Viện Nghiên cứu văn hóa, Hà Nội từng trải qua nhiều giai đoạn có biến động văn hóa, điển hình như đầu thế kỷ 20, khi có sự du nhập của văn hóa phương Tây, nhiều người cũng lo ngại văn hóa dân tộc bị mai một, nhưng điều đó đã không xảy ra. Trải qua nhiều quá trình sàng lọc, các giá trị thanh lịch của người Kẻ Chợ càng được kết tinh, chung đúc. Đây là cơ sở để chúng ta tin rằng, với các chủ trương, chính sách hợp lý, trên cơ sở kế thừa, rút kinh nghiệm triển khai Chương trình 04 thời gian qua, văn hóa Hà Nội sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức.