Gìn giữ di sản Mo Mường

Mo Mường là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật; thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường. Hà Nội là địa bàn có đồng bào dân tộc Mường sinh sống, nhiều nét đẹp của Mo Mường vẫn được gìn giữ, tuy nhiên, việc bảo tồn cũng đứng trước không ít khó khăn. Do đó, thành phố đang triển khai các biện pháp để gìn giữ bền vững di sản Mo Mường.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy mo thực hành di sản Mo Mường trong các nghi lễ tâm linh.
Thầy mo thực hành di sản Mo Mường trong các nghi lễ tâm linh.

Ở Hà Nội, đồng bào dân tộc Mường sống tập trung ở các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai. Người Mường có niềm tin tín ngưỡng riêng về nguồn gốc hình thành nên dân tộc mình, được thể hiện rõ nét qua di sản Mo Mường - áng sử thi phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ.

Các hoạt động của Mo Mường liên quan đến vòng đời một con người, từ khi cất tiếng khóc chào đời, đến các nghi lễ trong đám cưới, lễ mừng nhà mới, lễ kéo si... Khi con người nhắm mắt xuôi tay, thầy mo sẽ là “cầu nối” giữa người sống với người chết, đưa hồn ma về với tổ tiên. Các nghi thức Mo Mường khi có người qua đời thường kéo dài nhiều ngày, với nhiều hoạt động khác nhau. Di sản Mo Mường được hội tụ từ ba yếu tố: Lời Mo, nghệ nhân Mo và Lễ thức Mo.

Tuy nhiên, do cuộc sống có nhiều thay đổi, đồng thời, có khoảng thời gian, nhiều nghi thức của Mo Mường bị cho là hoạt động mê tín, dị đoan. Do đó, việc thực hành Mo Mường trong cuộc sống đồng bào dân tộc Mường bị thu hẹp và đứng trước nguy cơ mai một.

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị Mo Mường như: Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2015-2020”, “Bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016-2020”… Hiện nay, thành phố đang thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội.

Mặc dù vậy, các Đề án này đều triển khai các giải pháp bảo tồn văn hóa Mường, văn hóa dân tộc thiểu số nói chung. Trong khi đó, Mo Mường có những giá trị độc đáo riêng, đòi hỏi sự đầu tư chuyên sâu. Việc bảo tồn di sản Mo Mường vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong đó số người thực hành đang suy giảm. Toàn thành phố hiện chỉ còn bảy thầy mo thực hành thường xuyên. Trong đó người cao tuổi nhất đã 86 tuổi (ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì). Tại các tỉnh, thành phố khác có Mo Mường như: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk…, việc bảo tồn, phát huy giá trị Mo Mường cũng đứng trước nhiều thử thách.

Để khắc phục tình trạng này, đồng thời, để tôn vinh những giá trị của di sản Mo Mường, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Hồ sơ quốc gia di sản văn hóa Mo Mường, đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tại Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc phối hợp xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường; triển khai xây dựng hồ sơ để ghi danh di sản văn hóa Mo Mường Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Do có quãng thời gian Mo Mường bị hiểu nhầm là những hủ tục lạc hậu, cho nên khi xây dựng nếp sống văn hóa mới, một số địa phương còn vận động loại bỏ một số nghi thức trong Mo Mường. Điều này góp phần giảm bớt một số thủ tục phiền hà, tốn kém, nhưng cũng làm mất không ít giá trị của di sản.

Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Điều quan trọng là chính quyền địa phương, ngành văn hóa cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng người thực hành Mo Mường trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật và việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi và tang ma. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền dạy nhằm tăng cường sức sống cho di sản; khuyến khích mỗi cộng đồng người Mường đào tạo các thế hệ kế cận thực hành di sản Mo Mường thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo; kết hợp tư liệu hóa di sản Mo Mường”.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường. Trong đó, chú trọng việc nhận diện giá trị, nâng cao kiến thức, nhận thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, những người thực hành di sản Mo Mường (thầy Mo), hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê di sản. Thành phố dự định hoàn thành công tác kiểm kê trong tháng 1/2023.

Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Phạm Minh Hương cho biết: “Nhận diện di sản văn hóa Mo Mường và đưa vào Danh mục kiểm kê là bước đi góp phần nâng cao nhận thức về vốn di sản nói chung và Mo Mường nói riêng trong cộng đồng. Thông qua quá trình kiểm kê, các thành viên của cộng đồng sẽ quan tâm nhiều hơn và tự hào hơn về di sản Mo Mường, chủ động tham gia vào quá trình bảo vệ và kế tục di sản”.

Với những hoạt động cụ thể này, thành phố đang chủ động các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị, nhằm góp phần đưa Mo Mường được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.